Giá vàng tăng bất chấp quyết tâm của Fed. (Nguồn: capital.com) |
Giá vàng hôm nay 28/3:
Giá vàng SJC bật tăng trở lại từ giữa tuần trước (23/3), tăng từ 250.000 - 550.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua bán. Xu hướng tăng giá duy trì cho tới hết tuần, với biên độ tăng rộng từ 50.000 - 350.000 đồng/lượng. Tính chung cả tuần, giá vàng SJC tăng so với tuần trước khoảng 200.000 - 800.000 đồng/lượng.
Xuất phát điểm từ tuần này, giá vàng SJC mua vào cao nhất ở 68,55 triệu đồng/lượng, trong khi mức bán ra cao nhất là 69,27 triệu đồng/lượng.
Trong phiên cuối tuần, vàng nữ trang SJC cũng điều chỉnh tăng theo xu hướng thị trường. Theo đó, giá vàng trang sức tăng 100.000 đồng/lượng, vàng nữ trang SJC loại 18K tăng 80.000 đồng/lượng và loại 14K tăng 60.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua vào và bán ra.
Với nhiều dự đoán giá vàng sẽ vượt trên 2.000 USD/ounce, trong khi thị trường vàng trong nước luôn duy trì trạng thái độc quyền và neo giá chênh lệch rất cao so với vàng thế giới. Do đó, theo các chuyên gia, mỗi bước tăng giá vàng thế giới sẽ đẩy giá vàng trong nước lên rất cao. Giá vàng trong nước sẽ sớm bị đẩy lên 70 triệu đồng/lượng, nếu giá vàng thế giới vượt mức kỷ lục năm 2020 là 2.070 USD/ounce
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 25/3), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,55 – 69,27 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 68,30 – 69,20 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,40 – 69,15 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,50 – 69,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,42 – 69,15 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,48 – 56,23 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,70 – 56,10 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất
Giá vàng thế giới tăng 1,7% trong tuần qua vì căng thẳng địa chính trị, trong khi giới đầu tư vẫn theo sát tình hình các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, khi chưa thấy nhiều dấu hiệu khả quan từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn, khi các lệnh trừng phạt, trả đũa liên tiếp được các bên sử dụng, khiến các số liệu lạm phát đột biến không chỉ được công bố tại Mỹ mà nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là giá năng lượng.
Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn và tránh lạm phát vì thế tiếp tục tăng lên, đẩy giá đi lên, bất chấp việc đồng USD tăng và lợi tức trái phiếu tăng lên mức cao kỷ lục mới, đã kìm hãm đà tăng của vàng.
Các nhà phân tích lưu ý, mặc dù Fed đang tìm cách tăng lãi suất một cách mạnh mẽ, nhưng lãi suất vẫn nằm phía sau đường cong lạm phát, tỷ giá thực âm là một môi trường tích cực cho vàng tăng giá. Ngoài ra, giá kim loại quý cũng được hỗ trợ bởi các tín hiệu kỹ thuật.
Theo chuyên gia Chantelle Schieven, Giám đốc nghiên cứu Tập đoàn Murenbeeld & Co, thị trường vàng đang được hưởng lợi đáng kể từ khi chiến sự Nga và Ukraina bước sang tháng thứ 2. Nguyên nhân nhà đầu tư vẫn lo ngại tính bất ổn từ đây, mà đã đưa tiền vào vàng mới mục đích trú ẩn an toàn. Vị chuyên gia này tin rằng, kể cả khi cuộc xung đột này được giải quyết, nhưng nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng vẫn không hoàn toàn cạn kiệt. Bởi cuộc xung đột này đã làm thay đổi cục diện địa chính trị và thị trường tài chính toàn cầu.
Có rất nhiều tranh luận xung quanh việc liệu sự đảo ngược của đường cong lợi suất có phải là dấu hiệu báo trước của một cuộc suy thoái hay không? Tuy nhiên, tăng trưởng chậm hơn dường như không thể tránh khỏi do chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt. "Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ thấy đường cong bắt đầu bằng phẳng. Tôi vẫn tin rằng nó đang dẫn đến suy thoái. Nhưng tôi lo ngại rằng, Fed có thể hãm đà tăng trưởng hơi quá mức nếu chúng ta tiếp tục tăng lãi suất, Frank Cholly, Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures.
Tuy nhiên, các thị trường có thể đang định giá quá nhiều đợt tăng lãi suất trong năm nay. Điều duy nhất Fed có thể làm là phong độ đáng thất vọng ở đây. Họ khó mà tăng lãi suất trong một môi trường kinh tế đang suy yếu. Fed đang dự kiến 7 lần tăng lãi suất vào năm 2022, nhưng con số đó có thể sẽ giảm xuống còn 5, Giám đốc chiến lược thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định.
Giá vàng thế giới chốt phiên giao dịch tuần trước tại 1.958,4 USD/ounce, sau một số phiên tăng giảm liêm tục, ghi nhận trên sàn Kitco. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex lần cuối ở mức 1.957,75 USD/ounce.
Giá vàng thế giới vẫn hướng tới ngưỡng 2.000 USD
Lần gần nhất, giá vàng vượt mốc 2.000 USD là ngày 8/3 vì lo ngại Mỹ cấm dầu Nga. Nhưng gần một tháng sau, khi Mỹ đã cấm dầu Nga, châu Âu cũng tìm cách thoát "Nga" thì cả giới phân tích và các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa thể từ bỏ kỳ vọng vàng trở lại ngưỡng 2.000 USD, khi tuần này, tâm lý tăng giá chiếm ưu thế trên thị trường.
"Thị trường vàng đang trong một xu hướng tăng rất mạnh", David Madden, nhà phân tích thị trường tại Equity Capital cho biết.
Sự không chắc chắn và biến động vẫn gia tăng từ chiến dịch quân sự của Nga với Ukraine. Theo đó, nỗi sợ hãi của thị trường toàn cầu đang giúp giá vàng chống lại những "cơn gió ngược" như lợi suất trái phiếu tăng và những bình luận mang tính "diều hâu" từ Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Tuy nhiên, không phải nhà phân tích nào cũng lạc quan rằng giá vàng có thể duy trì đà tăng như hiện nay. Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, nói rằng lợi suất trái phiếu tăng có thể đè nặng lên kim loại quý này. "Tôi kỳ vọng lợi suất cao hơn ở Mỹ và các nơi khác sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Có lẽ nó sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1.900-1.910 USD/ounce", ông nói.
MINH ANH