Kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP, xứng đáng được khen thưởng
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân. Khu vực này đã và đang thực sự có sự đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước khi kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP cả nước. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học thực sự xứng đáng được khen thưởng vì thành tích đóng góp của mình.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu quan điểm, một số quy định hiện hành về tiêu chuẩn khen thưởng cho doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước chưa cụ thể, khó áp dụng và điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, doanh nghiệp tư nhân có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Ví dụ được đại biểu Mai Thị Phương Hoa đưa ra là pháp luật quy định cấp nào quản lý về tổ chức người lao động thì khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng. Doanh nghiệp tư nhân không có cấp quản lý nên việc trình khen thưởng thường không thực hiện. Pháp luật hiện hành quy định cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc cấp giấy phép thành lập khen thưởng thì trình cấp khen thưởng.
“Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong một tỉnh, thành phố thường đông, cơ quan cấp phép thường là Sở Kế hoạch và Đầu tư rất ít tiếp nhận đề nghị khen thưởng cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp cũng không nắm được quy định của pháp luật. Hoặc là doanh nghiệp ở địa phương này nhưng hoạt động ở địa phương khác thì thành tích đóng góp cho địa phương khác nên khó có thể đề xuất khen thưởng”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.
Tỷ lệ cá nhân trong doanh nghiệp tư được khen thưởng rất thấp
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, những bất cập như vậy nên trong 5 năm từ năm 2016 đến năm 2020, Chủ tịch nước khen thưởng cho cá nhân lao động trực tiếp trong khu vực doanh nghiệp tư chỉ có 177 cá nhân chiếm tỷ lệ 0,05%. Thủ tướng khen thưởng cho cá nhân lao động trực tiếp chỉ có 568 cá nhân chiếm tỷ lệ 2,17%. Đây là những con số rất khiêm tốn.
Khắc phục những bất cập nêu trên, dự thảo luật đã bổ sung quy định cụ thể đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học và các tổ chức kinh tế khác được khen thưởng Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của các bộ, ban, ngành, tỉnh.
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Dự thảo luật cũng đã bổ sung những nguyên tắc xếp tôn vinh, trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp... Với những quy định mới và rất căn bản này, công tác khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân sẽ được tăng cường và góp phần động viên, khích lệ, thúc đẩy khu vực này ngày càng phát triển.
Cũng giống như đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu quan điểm, dự thảo luật lần này “vẫn còn hơi hướng thiên về khu vực công, mà mục tiêu của chúng ta là hướng tới người dân, người lao động ở khu vực tư”. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, tỷ lệ áp dụng khen thưởng cho khu vực công, cho khối cơ quan Nhà nước nếu theo dự thảo luật này thì vẫn còn lớn. Từ đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát thêm về vấn đề này.
Tìm doanh nghiệp, người lao động đủ tiêu chuẩn để khen
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội), để Luật Thi đua, khen thưởng đi vào cuộc sống, tạo sức mạnh và đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, đặc biệt là mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường, thịnh vượng và giàu có thì cần tập trung quan tâm tới các đối tượng lao động sản xuất, quan tâm tới các doanh nghiệp.
Phân tích về những khó khăn trong công tác thi đua, khen thưởng với khu vực ngoài nhà nước, đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh, các hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp không có Ban Thi đua nên quy trình, thủ tục đề nghị khen thưởng sẽ “rất bí”.
Đại biểu nêu ví dụ, một người lao động ở Cầu Giấy (Hà Nội) một năm nộp ngân sách 25 tỷ đồng, rất đáng khen. Nhưng nói Ban Thi đua trình lên phường thì "rất bí". Hơn nữa có đưa lên thì phường cũng chưa chắc đã biết, mà chỉ cơ quan thuế mới biết.
Từ đó, đại biểu Trương Xuân Cừ đề nghị phải có tiêu chí để khen doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì không cần chờ trình khen thưởng, mà phải đi tìm doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đủ tiêu chí, đủ tiêu chuẩn để khen thưởng. Như thế mới tạo động lực, tạo sự phấn khởi cho những người trực tiếp lao động sản xuất, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.
“Ví dụ, vừa rồi đại dịch COVID-19 bao nhiêu doanh nghiệp ủng hộ Nhà nước để chúng ta vượt qua đại dịch, thắng được đại dịch. Như thế thì khen như thế nào, có cần phải các cấp thi đua trình lên không, tôi nghĩ chưa chắc đã kịp thời. Cho nên, tôi muốn cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chí, các tiêu chuẩn và giao cho một cơ quan, đơn vị nào đấy trong quá trình tổ chức thi đua cụ thể hơn”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.