Bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp

Hiện, tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong quý I-2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 4.418 trường hợp vi phạm. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, quyết tâm ngăn chặn, không bỏ lọt hành vi vi phạm nhằm bảo vệ thị trường, đặc biệt là người tiêu dùng và doanh nghiệp.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh các sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 không có hóa đơn chứng từ tại quận Đống Đa.

Vi phạm ngày càng phức tạp

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại tại địa chỉ 141 Lạc Long Quân, quận Cầu Giấy, thu giữ hơn 11.200 sạc điện thoại, máy tính bảng giả mạo nhãn hiệu. Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang lắp ráp sạc điện thoại, máy tính bảng mang thương hiệu Samsung. Toàn bộ bo mạch, vỏ sạc dùng để lắp ráp là hàng không rõ nguồn gốc. Sản phẩm sau khi hoàn chỉnh được bán với giá 25.000-30.000 đồng qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Hoàng Đại Nghĩa thông tin thêm, sạc điện thoại gia công từ linh kiện trôi nổi hết sức nguy hiểm cho người dùng, dễ gây cháy nổ và nhiều hệ lụy khác.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng của Công ty cổ phần Thương mại OPEN PHARMA tại số 158 Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Thời điểm kiểm tra, cơ sở này bày bán viên sủi Vitamin BEEROCAC+. Theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sản phẩm này xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ theo Đăng ký quốc tế số 932608 của Bayer Consumer Care AG. Qua xác minh, viên sủi Vitamin BEEROCAC+ được Công ty cổ phần thương mại OPEN PHARMA đặt Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm JaPan sản xuất. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 28.575 hộp viên sủi Vitamin BEEROCAC+ để xử lý.

Đánh giá về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP), Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, các đối tượng đã chuyển từ các hình thức kinh doanh, buôn bán truyền thống sang hoạt động trên nền tảng mạng xã hội với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng nhu cầu, tâm lý phòng, chống dịch Covid-19 để chào, bán vật tư, thuốc hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19 nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng…

Cũng theo ông Chu Xuân Kiên, các lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan… đã phối hợp, kiểm tra theo từng chuyên đề, địa bàn trọng điểm, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn. Trong quý I-2022, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 4.675 trường hợp, phát hiện, xử lý 4.418 vụ vi phạm, khởi tố 42 vụ với 59 đối tượng. Trong đó, có 763 vụ buôn bán hàng cấm, hàng lậu; 3.543 vụ gian lận thương mại; 112 vụ liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 538,5 tỷ đồng.  

Chủ động ngăn chặn vi phạm

Từ thực trạng trên có thể thấy, buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh còn tồn tại nhiều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát. Cùng với đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa được chặt chẽ, thiếu thông tin cảnh báo; nhận thức về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm chưa được các cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm đúng mức. Sự dễ dãi trong thói quen của người tiêu dùng khiến cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm trở nên khó khăn...

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm, Ban Chỉ đạo 389/TP thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung điều tra cơ bản, nắm tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; chủ động xây dựng các biện pháp đấu tranh, nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng. Việc kiểm tra, kiểm soát sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm; trên các tuyến giao thông, nhà ga, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn.

“Trong bối cảnh người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm… Phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp”, ông Chu Xuân Kiên khẳng định.

THANH HIỀN

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-va-doanh-nghiep-a30880.html