"Tôi đang nghỉ trưa thì thấy mặt đất rung chuyển rất mạnh trong 5-6 giây. Những ngày trước, tôi cũng thường xuyên cảm thấy mặt đất rung nhẹ, không mạnh và kéo dài như trận này", ông Mai Hữu Phương (54 tuổi, trú tại huyện Kon Plông, Kon Tum) kể lại cảm giác trưa 18/4 - khi trận động đất mạnh 4,5 độ xảy ra.
Gia đình ông Phương có một trang trại nuôi dê ở Măng Đen nên ông thường ở lại căn nhà lợp mái tôn trong khuôn viên trang trại để trông coi và sinh hoạt. Trưa 18/4, ông Phương bật khỏi giường trong sự sợ hãi, rồi vội chạy ra khỏi nhà khi thấy đồ đạc treo trên tường rơi hết xuống đất.
Sau rung chấn có tiếng nổ
"Kể từ khi làm trang trại ở đây, tôi chưa từng chứng kiến một trận động đất nào lớn như vậy", ông Phương kể lại và cho biết khu trang trại đã thiết kế mái tôn với sức chống chịu được sức gió bão cấp 10-12, nên khi động đất xảy ra không gây thiệt hại gì về tài sản.
Theo ông, những ngày trước có động đất nhưng người dân thi thoảng mới cảm thấy rung lắc nhẹ và thời gian cũng không kéo dài, chỉ 1-2 giây. Riêng trận động đất xảy ra trưa 18/4 khiến bản thân ông và người dân xung quanh lo lắng vì cường độ mạnh.
Chấn tâm của các trận động đất xảy ra tại Kon Plông trong các ngày 15-18/4. Ảnh: PCTT. |
Cùng sống tại huyện Măng Đen, ông Hoàng Mạnh Đức (40 tuổi) cũng bất an khi liên tục cảm nhận được sự rung lắc của mặt đất trong những ngày qua. Ông Đức nói rằng bản thân "như suýt ngã" khi trải qua trận động đất 4,5 độ.
"Lúc đó tôi đang ngồi trông coi quán nước thì thấy bàn ghế rung lắc, mặt đất chuyển động. Tôi như muốn bật ra khỏi ghế vì nền nhà rung quá mạnh. Rất may là khoảnh khắc đó trôi qua nhanh, tôi phải mất một lúc mới hoàn hồn", ông Đức kể lại.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết vào trưa 18/4, khi ông đang chuẩn bị đi làm thì thấy nhà cửa rung lắc. Sau rung chấn này, ông thậm chí nghe thấy tiếng nổ. Việc này khiến cả ông và những người dân trên địa bàn hoang mang.
"Chính quyền và người dân huyện đang rất cần sự hướng dẫn và thông tin cụ thể để chủ động ứng phó với động đất một cách hiệu quả, tránh hoang mang", ông Nam nói.
Còn ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, chia sẻ trong những ngày qua (15-18/4), sau khi địa bàn huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất, nhiều người dân đã gọi điện lên sở và lên tỉnh để hỏi về nguyên nhân với tâm trạng lo lắng.
Trận động đất lớn chưa từng có
Chỉ trong 4 ngày từ 15 đến 18/4, địa bàn huyện Kon Plông ghi nhận tổng số 22 trận động đất và dư chấn với độ lớn dao động 2,6-4,5 độ. Hiện tượng này chưa gây thiệt hại về người và tài sản, song gây ra tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, số lượng các trận động đất ở Kon Plông đang tăng bất thường. Với độ lớn 4,5, trận động đất xảy ra trưa 18/4 được nhận định là lớn chưa từng có tại khu vực trong vòng 120 năm qua.
Chuyên gia nhận định nguyên nhân ban đầu ngoài đứt gãy địa chất, hiện tượng này xảy ra có thể là động đất kích thích do việc tích nước ở các hồ chứa thủy điện. Đây cũng từng là lý do gây ra động đất ở khu vực thủy điện sông Tranh (Quảng Nam).
"Trước đó, chúng tôi ghi nhận thủy điện Thượng Kon Tum có hoạt động tích nước vào tháng 3/2021, sau đó thì động đất xảy ra liên tục. Tuy nhiên, để có đánh giá chính xác về nguyên nhân, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn để nghiên cứu và đánh giá thêm", ông Xuân Anh nói.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện tượng động đất có thể gây hại cho nhà dân, công trình xây dựng từ mức độ nhẹ như nứt, vỡ tường đến nặng hơn là hư hỏng do kết cấu chịu lực kém.
Do đó, đơn vị chuyên môn của bộ này đề xuất cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn cho người dân về việc thoát hiểm, thoát nạn khi có động đất xảy ra; đồng thời khảo sát lại tác động của các trận động đất trong thời gian gần dây đối với công trình nhà dân, trụ sở cơ quan, cầu đường, công trình thủy lợi, thủy điện...
Hoạt động tích nước của thủy điện Thượng Kon Tum được cho là một trong những nguyên nhân gây ra động đất liên tục những ngày qua tại huyện Kon Plông. Ảnh: TTX. |
Hiện, tỉnh Kon Tum đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương phối hợp cùng các đơn vị, địa phương liên quan theo dõi thường xuyên hiện tượng động đất kèm dư chấn, triển khai biện pháp ứng phó, đồng thời ổn định tâm lý cho người dân.
Tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Viện Vật lý địa cầu, cùng cơ quan chuyên môn kiểm tra cụ thể, xác định nguyên nhân, dự báo mức độ ảnh hưởng của các trận động đất tới cơ sở hạ tầng, đặc biệt có cảnh báo an toàn hồ đập đối với các công trình, hồ chứa nước trên địa bàn.
Theo thống kê, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông và vùng lân cận ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Nhưng chỉ từ tháng 4/2021 đến nay, địa phương xuất hiện 169 trận động đất.
Riêng ngày 15-18/4, động đất xảy ra liên tục tại khu vực Kon Plông với tổng số 22 trận, độ lớn dao động 2,5-4,5 độ. Hiện tượng này gây ra rung chấn trên địa bàn thị trấn Măng Đen cùng 8 xã: Đắk Nên, Đắk Ring, Đắk Tăng, Hiếu, Măng Bút, Măng Cành, Ngọc Tem và Pờ Ê.
Khu vực này có trên 31.700 người dân đang sinh sống, xung quanh có nhiều thủy điện và hồ chứa hoạt động.
MỸ HÀ
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nguoi-dan-kon-tum-dong-dat-lam-toi-suyt-nga-a31444.html