Thị trường tài chính ngày càng phát triển cân bằng, bền vững
Báo cáo tổng quan đánh giá tình hình thị trường vốn năm 2021, các tháng đầu năm 2022 và định hướng phát triển để huy động vốn cho nền kinh tế, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, thị trường tài chính Việt Nam đang ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công. Đồng thời, thị trường trái phiếu bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Việc phát triển thị trường vốn trong những năm gần đây cũng tạo đa dạng sản phẩm tài chính các kênh đầu tư cho các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.
Hiện nay, thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần, bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021. Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP (trong đó trái phiếu chính phủ là 22,7% GDP và TPDN là 14,2% GDP).
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chính sách ứng phó linh hoạt để thị trường vốn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2021, chỉ số VN-Index có sự tăng trưởng tốt, thể hiện khả năng chống chịu với đại dịch và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu 93,8%GDP vào cuối tháng 3/2022, tăng 3,37% so với cuối 2021 với 1.651 chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 258% so với bình quân năm 2020 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2022, với mức bình quân đạt 30.800 tỷ đồng/phiên. Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục diễn ra sôi động. Tính chung năm 2021, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tăng 21% so với năm trước.
Tổng mức huy động vốn trên thị trường tiếp tục tăng, đáp ứng nhu cầu của Chính phủ và các doanh nghiệp. Trong năm 2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) được Bộ Tài chính điều hành phù hợp với công tác quản lý ngân quỹ, đảm bảo nhu cầu vốn cho ngân sách với tổng khối lượng phát hành đạt trên 318 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt trên 143.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 636.000 tỷ đồng.
Hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thẳng thắn cho rằng, sự tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu những năm gầy đây đã tạo ra một số rủi ro tiềm ẩn. Theo đó, thị trường cổ phiếu và chứng khoán phái sinh xuất hiện hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi, mức giá của nhiều mã chứng khoán được đẩy lên cao, nhưng không gắn với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, nghĩa vụ và chất lượng công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư chưa đồng đều, còn xảy ra các hành vi tiêu cực. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát sinh rủi ro từ các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ tham gia mua TPDN.
“Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố”, ông Phớc thông tin.
Bên cạnh đó, một số tổ chức kiểm toán và thẩm định giá còn hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng các chuẩn mực nghề nghiệp. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.
Đáng lưu ý, có nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường, thường có hành vi mua bán theo tin đồn, chạy theo lãi suất cao.
Đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh tế, công tác điều hành thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu của Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Theo đó, sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020 theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành. Bên cạnh đó, thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án.
“Doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở giao dịch chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu”, ông Hồ Đức Phớc cho biết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, gồm: phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán, các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán và một số nội dung liên quan.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường.
“Những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để phát triển một cách hiệu quả và bền vững. Bộ Tài chính cũng sẽ tăng nguồn lực thanh tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát chặt chẽ, kịp thời”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan trong công tác điều hành và quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng bảo đảm tính công khai, minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
"Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết./.
Diệp Diệp/VOV.VN
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-nhung-hanh-vi-thao-tung-gia-phai-duoc-xu-phat-nghiem-minh-a32088.html