Ngày 24-7, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương phối hợp với Tạp chí Lao động- Công đoàn tổ chức tọa đàm “Quản lý chi tiêu và giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong công nhân”.
Buổi tọa đàm thu hút sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động.
Diễn giả Quách Tuấn Khanh chia sẻ cách chi tiêu và quản trị tiền bạc thông minh. Ảnh: KD
Theo bà Trương Thị Bích Hạnh- Chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, quản lý chi tiêu là bài toán được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là công nhân lao động.
“Thực tế một bộ phận công nhân biết cách chi tiêu hợp lý, họ có tích lũy nên khi đối mặt với dịch COVID-19, gia đình họ vẫn có nguồn tài chính để xoay sở được. Tuy nhiên, còn rất nhiều công nhân chưa biết cách quản lý, chi tiêu nên dễ rơi vào tình trạng túng thiếu. Buộc họ phải cầm cố mua bán sổ BHXH, vay nặng lãi, sa vào “bẫy” tín dụng đen"- bà Hạnh nói.
Buổi tọa đàm thu hút hàng trăm công nhân lao động đến tham dự. Ảnh: KD
Tại buổi tọa đàm, diễn giả Quách Tuấn Khanh đã chia sẻ với các công nhân lao động cách chi tiêu và quản trị tiền bạc thông minh.
Bên cạnh đó, các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng điện tử, chuyên gia tư vấn cũng hướng dẫn cách sử dụng những ứng dụng thanh toán điện tử hữu ích, hạn chế giao dịch tiền mặt.
Từ đó, người công nhân có kế hoạch chi tiêu hiệu quả, tránh những rủi ro do khó khăn đem lại. Ngoài ra, còn giảm thiểu tình trạng ùn tắc mỗi khi rút tiền tại trụ ATM, đặc biệt vào dịp cuối năm. Điều này không chỉ có lợi cho bản thân người lao động, mà còn đem lại lợi ích cho cả nền kinh tế.
Cuối tháng và vào dịp cuối năm nhiều công nhân đợi suốt nhiều tiếng đồng hồ vẫn không rút được tiền. Ảnh: KD
Dịp này, 14 công nhân lao động bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động nhận được hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền là 134 triệu đồng.
Theo Tổng cục thống kê, tính đến tháng 6-2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Còn tại Bình Dương, tính đến 23-7-2020, đã có 297 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với gần 144.000 công nhân lao động bị chấm dứt hợp đồng, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, giảm giờ làm.
Theo thống kê của Phòng cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bình Dương) trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan điều tra toàn tỉnh đã khởi tố 6 vụ, với 11 đối tượng về các tội liên quan đến hoạt động tín dụng đen như: cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản. Theo ước tính có đến hàng trăm công nhân lao động rơi vào hoàn cảnh khốn cùng khi vay tiền từ các tổ chức tín dụng đen. Bên cạnh đó, qua rà soát hiện này có 7 băng nhóm với gần 200 đối tượng, 64 cơ sở cầm đồ, 1 công ty tư vấn các thủ tục tài chính ngân hàng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. |
Lê Ánh
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/khong-biet-cach-tieu-tien-de-sa-bay-tin-dung-den-a3504.html