Tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao. (Nguồn: TTXVN) |
Cơ hội cho ngành hàng gia vị, rau quả Việt sang EU
Phát biểu tại Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam” ngày 6/5, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020. Đặc biệt, sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách vì dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm rau - củ - quả tại các quốc gia khu vực EU đang gia tăng.
Tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó rau quả tươi tăng từ 15-20%/năm, sản phẩm chế biến tươi tăng 30%. Tuy nhiên, mặt hàng rau quả của Việt Nam dù được đánh giá là có nhiều lợi thế song chưa tận dụng được cơ hội, nên thị phần tại khu vực EU vẫn hết sức mờ nhạt, con số này chỉ chiếm dưới 1% nhu cầu thị trường EU.
“Cơ cấu mặt hàng chưa cân đối, hiệu quả kinh tế chưa cao, sản lượng, chất lượng chưa ổn định, bên cạnh đó là rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu đang là những khó khăn đối với rau quả Việt Nam tại thị trường EU”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.
Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, các doanh nghiệp rau quả và gia vị của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận thị trường EU. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin và nguồn nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU; các doanh nghiệp ít có cơ hội và thiếu khả năng tiếp cận thị trường này; rau quả và gia vị của Việt Nam thiếu các cơ chế hiệu quả để nâng cao năng lực toàn ngành và quảng bá cho các sản phẩm cho thị trường EU.
Gạo Việt áp đảo gạo Thái
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (PT&NT), trong tháng 4, Việt Nam xuất khẩu khoảng 550 nghìn tấn gạo với giá trị đạt 273 triệu USD, đưa tổng khối lượng trong 4 tháng đầu năm đạt 2,05 triệu tấn với giá trị 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so các với các nước. Chẳng hạn, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4 ở mức 410 - 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361 – 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước.
Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4, thì giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3.
Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 42,6% thị phần. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (76% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ở trong nước, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng nhẹ trong bối cảnh giao dịch trầm lắng. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 ở mức 5.500 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg so với trung bình tháng 3); gạo thường ở mức 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng/kg, ổn định so với tháng trước.
Tại Kiên Giang, giá lúa IR50404 ở mức 6.500 – 6.600 đồng/kg (tăng 650 đồng/kg), lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg, (tăng 300 đồng/kg).
Hiện toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được 80 – 90% diện tích lúa Đông Xuân 2022, nhiều địa phương đã thu hoạch xong và xuống giống vụ Hè Thu. Tuy nhiên vụ Hè Thu năm nay người dân canh tác ít hơn do chi phí sản xuất tăng cao.
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.
Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu trà sang Đài Loan (Trung Quốc)
Thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (BOFT) cho thấy năm ngoái Đài Loan đã nhập hơn 33.000 tấn trà từ hơn 30 đối tác trên toàn thế giới. Tổng kim ngạch nhập khẩu trà của nền kinh tế này đạt 87,8 triệu USD tăng 8,58% về lượng và tăng 13,39% về kim ngạch so với năm 2020.
Việt Nam tiếp tục là đối tác cung ứng mặt hàng trà vào Đài Loan nhiều nhất trong năm 2021 với 18.330 tấn, đạt 28,91 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và 7,47% về giá trị so với năm 2020. Số lượng này chiếm tỷ trọng 55,23% thị phần nhập khẩu vào Đài Loan. Tuy nhiên, so với cách đây 9 năm, tỷ trọng trên đã giảm 8%.
Nguyên nhân thị phần giảm là do ảnh hưởng của dịch bệnh 3 năm liên tiếp làm cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn. Mặt khác, Đài Loan ngày càng khắt khe hơn trong kiểm soát hàng hóa, trong đó nâng tiêu chuẩn về trà. Điều này làm giảm lượng trà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Việt đã không đạt được ngưỡng tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm trà và cà phê sang thị trường Đài Loan và Hong Kong tuần trước, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Bộ Công Thương), đánh giá nếu Việt Nam nâng cao chất lượng trà, năm nay xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường trên có thể tăng mạnh.
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu trà Việt Nam đạt 2.000 tấn, trị giá 3 triệu USD, tăng 3,5% về lượng và tăng 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Hiện, sản phẩm trà của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan, Đài Loan, Nga, Indonesia, Trung Quốc đại lục là 5 thị trường trọng điểm của trà Việt.
Hiện nay, đối thủ cạnh tranh chính mặt hàng trà của Việt Nam tại Đài Loan là Sri Lanka (tỷ trọng chiếm 15,43% thị phần); Ấn Độ (10,28%); Indonesia (6,46%) và Trung Quốc (4,79%)...
Theo quy định của Đài Loan, sản phẩm trà nhập khẩu vào thị trường này phải tuân thủ "quy định về kiểm tra thực phẩm và sản phẩm liên quan nhập khẩu". Nhà nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra với Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA), trong đó, một số sản phẩm quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đại lục.
Theo biểu thuế nhập khẩu của Đài Loan, thuế quan nhập khẩu trà xuất xứ Việt Nam có mức từ 17% đến 22% hoặc 25% tùy loại. Đặc biệt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng Fipronil cho phép còn 0,002ppm thay vì 0,005ppm (năm 2014).
Khai thác tối đa các lợi thế để xuất khẩu thời trang sang Nam Mỹ
Tối 9/5 sẽ khai mạc phiên toàn thể Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam – Nam Mỹ 2022. Hội nghị thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các Thương vụ Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ (Thương vụ Việt Nam tại Brazil, Thương vụ Việt Nam tại Chile), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp đồng tổ chức trong 2 ngày 9-10/5.
Tại phiên toàn thể, các chuyên gia từ Việt Nam, Chile và Brazil sẽ giới thiệu những cơ hội hợp tác kinh doanh triển vọng và mới nổi trong lĩnh vực thời trang giữa Việt Nam với các nước Nam Mỹ trong bối cảnh mới.
Đại diện các doanh nghiệp đến từ Chile, bà Salka Tennen - Công ty Té verde sẽ chia sẻ về thực tế và cơ hội xuất khẩu mặt hàng thời trang vào thị trường Chile. Từ Brazil, ông Sergio Arevalo - Công ty Villalobos Modas (Brazil) sẽ giới thiệu tới Hội nghị về tiềm năng thị trường thời trang tại Brazil.
Hội nghị sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam kết nối đối tác tiềm năng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu sản phẩm thời trang và hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường thương mại quan trọng khu vực Nam Mỹ.
Theo Bộ Công Thương, khu vực Nam Mỹ là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nhiều loại hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng thời trang.
Đến nay, Việt Nam đã thành lập cơ chế đối thoại với nhiều nước khu vực Nam Mỹ, bao gồm Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như Ủy ban hỗn hợp kinh tế thương mại và kỹ thuật với Brazil. Đây là các kênh trao đổi thông tin, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tại khu vực Nam Mỹ, Brazil đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại Đông Nam Á. Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng thời trang rất được người tiêu dùng Brazil quan tâm. Mặc dù vậy, thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của quốc gia này.
Đối với Chile, hiện dệt may và giày dép là hai nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường này, tuy nhiên, giá trị kim ngạch còn khiêm tốn.
Dồn dập đơn hàng xuất khẩu nhờ "cú huých" từ các FTA
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 4/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 122 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật trong năm nay là doanh nghiệp trong nước tăng đến 21,6%, cao hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ tăng 14,7%).
Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp, chi phí vận chuyển tăng cao… Bộ Công thương cũng đánh giá năm 2022 sẽ là một năm “bùng nổ” trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu ngành dệt may đang tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. (Nguồn: Báo Thanh niên) |
Trong đó, nhiều mặt hàng sẽ thiết lập các kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, 3 nhóm ngành dệt may, da giày, nông - lâm - thủy sản có sự tăng tốc ấn tượng nhất. Xuất khẩu nhóm nông - lâm - thủy sản đang tăng trưởng mạnh và tăng đều ở hầu khắp các thị trường. Cụ thể, trong 4 tháng qua, nhóm ngành này ước đạt trên 10 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điểm sáng đáng chú ý trong nhóm hàng này là xuất khẩu thủy sản tiếp tục đạt trên 1 tỉ USD trong tháng 4, tăng gần 40% so với tháng 4/2021. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp mặt hàng này xuất khẩu vượt mức 1 tỉ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt gần 3,6 tỉ USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 5,288 tỉ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Ngành da giày đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỉ USD trong năm 2022, tăng 12,7% so với năm 2021.
Nhận định về các kết quả khả quan trên, Bộ Công thương cho rằng đó là do các DN đã tận dụng tốt cơ hội thị trường và thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Việt Nam ký hợp tác FTA song phương và đa phương với nhiều đối tác, từ đó mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa.
Mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao, chiếm 96% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Ngành này tận dụng được ưu đãi thuế quan nhờ tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của DN Việt Nam.
Ưu đãi FTA cũng được các DN ngành nông - lâm - thủy sản tận dụng tốt. Theo Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2022 đã có 5 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định: “Hiện tại nhu cầu gỗ và đồ nội thất trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng và DN ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất cũng đã kín đơn hàng đến hết quý 3/2022, thậm chí là hết năm 2022. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu ngành gỗ đạt 16 tỉ USD là hoàn toàn có thể thực hiện được”.
Theo ông Lập, hàng loạt FTA đang được thực thi như EVFTA, CPTPP tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%. Bên cạnh đó, Trung Quốc - nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới lại hạn chế xuất khẩu để chống dịch Covid-19; Italy, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao… Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu mặt hàng này.
VÂN CHI
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/xuat-khau-ngay-6-85-gao-viet-ap-dao-gao-thai-don-dap-don-hang-xuat-khau-nho-cu-huych-tu-cac-fta-a35169.html