2 kịch bản tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022

Trước những thách thức, rủi ro cũng như triển vọng phát triển kinh tế, ở kịch bản tích cực, kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng quanh mức 6 - 6,5%. Với kịch bản tiêu cực GDP chỉ ở mức 4,5 - 5%.

Thách thức và triển vọng
 
Tại diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 - 2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính do Tạp chí Kinh tế & Dự báo tổ chức sáng 12/5, TS Cấn Văn Lực cho biết, kinh tế thế giới năm ngoái phục hồi nhanh với mức tăng 6,1%. Tuy nhiên, hiện kinh tế thế giới đối mặt với 5 rủi ro, thách thức chính. Đó là đại dịch COVID-19 còn phức tạp; địa chính trị phức tạp, nhất là chiến sự Nga-Ukraine; Trung Quốc tăng trưởng chậm lại; giá cả, lạm phát tăng khiến các nước trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan...
 
Dẫn dự báo của IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) và Citigroup về tăng trưởng kinh tế thế giới, ông Lực cho biết, đà tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2022-2023 giảm xuống còn 3,2-3,6%, lạm phát tiếp tục tăng mạnh năm 2022 ở mức 6% và sau đó hạ nhiệt dần.
 
Trong khi đó, với Việt Nam, tác động của dịch COVID-19 đối với các ngành kinh tế khác nhau nên phục hồi khác nhau. Sức cầu còn yếu, ngành dịch vụ phục hồi chậm. Giải ngân đầu tư công vẫn là thách thức lớn. Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư liên tục đưa ra công điện nhưng vẫn vướng mắc.
 
Doanh nghiệp và nhân sự nhiều ngành nghề còn nhiều khó khăn. Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, Chính phủ và Quốc hội rất quyết liệt giải quyết nhưng vẫn tồn đọng. Nợ xấu tiềm ẩn tăng nhưng trong tầm kiểm soát.
 
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, kinh tế Việt Nam chịu tác động bởi chiến sự Nga - Ukraine.
 
Về rủi ro bên ngoài, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến tác động của chiến sự Nga-Ukraine đối với kinh tế Việt Nam. Theo đánh giá sơ bộ của chuyên gia này, xung đột giữa hai quốc gia châu Âu này khiến giá xăng dầu tăng bình quân 30 - 40% trong năm 2022 và giảm dần vào năm sau. Từ đó kéo tăng trưởng kinh tế giảm từ 1 - 1,2 điểm %.
 
Giá cả, lạm phát tăng nhanh, xói mòn đầu tư, tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước rơi vào thế khó. Dù thương mại, đầu tư với Nga, Ukraine ảnh hưởng không nhiều nhưng lĩnh vực du lịch chịu tác động đáng kể.
 
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, Việt Nam có một số triển vọng phát triển kinh tế khi kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng ở mức cao hơn trước dịch (3,2-3,6%, đã tính đến tác động chiến sự Nga - Ukraine). Dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn năm 2021. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 có tác động tốt. Đầu tư công được đẩy mạnh.
 
Kinh tế phục hồi, các động lực tăng trưởng phục hồi mạnh hơn. Tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định dù có áp lực tăng. Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh. Cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách được thúc đẩy. Tận dụng được lợi thế và hiệu quả từ các FTA, trong đó có RCEP.
 
2 kịch bản tăng trưởng GDP
 
Với những phân tích về thách thức, rủi ro cũng như triển vọng phát triển kinh tế, chuyên gia Cấn Văn Lực đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP. Trong đó, ở kịch bản tích cực, GDP tăng trưởng quanh mức 6 - 6,5%. Với kịch bản tiêu cực GDP chỉ ở mức 4,5 - 5%. Trong khi đó, năm 2023 kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6,5 - 7%.
 
Cũng theo ông Lực, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến từ 3 yếu tố chính gồm vốn, lao động và tốc độ tăng năng suất đa nhân tố (TFP). Trong 3 yếu tố này, vốn chiếm khoảng 50% tăng trưởng kinh tế bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
 
Để nền kinh tế diễn biến theo kịch bản tích cực nhất, TS Cấn Văn Lực đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp chính, trong đó có khuyến nghị cần kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát và phối hợp chính sách hiệu quả, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô.
 
Cùng với đó, cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, trong đó cần sửa đổi 3 luật quan trọng gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài.
 
Ngoài ra, cần có giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản cũng như nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập.
 
Từ đầu năm đến nay, các tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023 bởi tin rằng tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
 

Thu An

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/2-kich-ban-tang-truong-gdp-viet-nam-nam-2022-a35757.html