"Cơn lốc" trái phiếu: Gần 80% giá trị phát hành thuộc về doanh nghiệp chưa niêm yết

Theo TS Vũ Đình Ánh- chuyên gia kinh tế, trong "cơn lốc" trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua, có tới gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam, TS Vũ Đình Ánh cho biết, trong hơn một thập kỷ đầu tiên thế kỷ XXI, trên thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ có trái phiếu Chính phủ, TPDN Nhà nước và trái phiếu của ngân hàng thương mại.

Có rất ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nếu có, chủ yếu là trái phiếu kèm chứng quyền, như trái phiếu kèm quyền chuyển đổi thành cổ phiếu hay doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu kèm quyền mua nhà, căn hộ.

 
TS Vũ Đình Ánh. (Ảnh: Hà Anh)

Khoảng 10 năm trước, một số tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam mạnh dạn phát hành thành công TPDN cả trên thị trường Việt Nam lẫn trên thị trường quốc tế.

Từ 1/1/2021, khi nhiều quy định mới về phát hành TPDN có hiệu lực thì thị trường TPDN thật sự bùng nổ. Tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 623,6 tỷ đồng, tăng 34,9% so với năm 2020, trong đó tài chính-ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành, chiếm 42% tổng giá trị phát hành. Nhóm ngành bất động sản chiếm 34,8% tổng giá trị phát hành, tăng 36,2% so với năm 2020.

Thị trường TPDN là một trong những trụ cột quan trọng nhất của thị trường chứng khoán, đồng thời phát hành TPDN là một kênh huy động vốn phổ biến và thuận lợi của nhiều doanh nghiệp tại các nước có thị trường tài chính phát triển.

Tại Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định thị trường TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng.

Tuy nhiên, thị trường TPDN còn quá non trẻ của Việt Nam lại đang đối mặt với những rủi ro không nhỏ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường TPDN với yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường TPDN; bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh, minh bạch.

Muốn lành mạnh hóa thị trường TPDN thì cần phải nhận diện những rủi ro cả hiện hữu lẫn tiềm ẩn để kịp thời có biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả.

Một trong những rủi ro lớn cần nhìn nhận là thị trường TPDN nước ta đang phát triển quá nóng trong thời gian ngắn. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nếu năm 2018, các doanh nghiệp chỉ mới phát hành 224 nghìn tỷ đồng TPDN thì năm 2019 phát hành đạt 312 nghìn tỷ đồng. Năm 2020 TPDN tăng lên đến 436 nghìn tỷ đồng và năm 2021 phát hành tăng vọt lên tới 722.700 tỷ đồng.

Thị trường TPDN đã vượt xa thị trường TPCP chỉ trong thời gian ngắn. Năm 2018, trái phiếu Chính phủ đạt 190 nghìn tỷ đồng, năm 2019 đạt gần 300 nghìn tỷ đồng và năm 2020 trái phiếu Chính phủ phát hành hơn 330 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, qui mô thị trường TPDN đã tăng từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021, trong đó phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành TPDN.

 
Cần nhận diện những rủi ro cả hiện hữu lẫn tiềm ẩn về thị trường TPDN.

Cũng theo VBMA, trong 2 tháng đầu năm 2022, thị trường ghi nhận 8 đợt phát hành TPDN ra công chúng với tổng giá trị 5.509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22.185 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng tăng 31% và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51% so cùng kỳ năm 2021.

“Rõ ràng, “cơn lốc” TPDN đã khiến không chỉ các nhà đầu tư, nhà phát hành, định chế tài chính bị cuốn vào đó mà ngay cả cơ quan quản lý cũng có phần lúng túng và bị động. Những công cụ quản lý, giám sát thị trường TPDN khi qui mô còn nhỏ và hầu như không phát triển trước năm 2018 đã không còn phù hợp với qui mô lên tới hàng triệu tỷ đồng TPDN như năm 2021”, ông Ánh nhận định.

Thêm nữa, một trong những tiêu chí hàng đầu của thị trường tài chính và chứng khoán nói chung, thị trường TPDN nói riêng là phải bảo đảm tính công khai minh bạch và hạn chế bất đối xứng thông tin.

“Tuy nhiên, thị trường TPDN Việt Nam mấy năm gần đây hạn chế về công khai minh bạch thông tin, thậm chí có tình trạng thông tin sai lệch và che dấu thông tin khi có tới gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Không chỉ thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành TPDN không đầy đủ, thiếu công khai minh bạch mà cả thông tin về việc sử dụng nguồn vốn từ TPDN cũng vậy.”, ông Ánh nói.

Đưa ra khuyến nghị, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc đầu tiên cần làm để lành mạnh hóa thị trường TPDN là hạ nhiệt thị trường thông qua hoàn thiện các qui định về điều kiện phát hành, điều kiện bảo lãnh, hệ thống phân phối và hệ thống xếp hạng tín nhiệm đi đôi với nâng cao khả năng quản lý giám sát của cơ quan chức năng đối với tất cả các bên liên quan đến TPDN và thị trường TPDN.

Cần sớm “bịt lại” lỗ hổng quá lớn về yêu cầu công khai minh bạch thông tin đối với nhà phát hành TPDN thông qua qui định nghiêm ngặt ít nhất là không thấp hơn so với công ty niêm yết, cả trên sàn Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng như trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Hà Anh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/con-loc-trai-phieu-gan-80-gia-tri-phat-hanh-thuoc-ve-doanh-nghiep-chua-niem-yet-a36155.html