USD tăng vọt, giá vàng tuần tới còn giảm tiếp?

USD và lợi suất trái phiếu tăng do các nhà đầu tư kỳ vọng Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất, có thể vẫn tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới.

usd-tang-vot-1652588317.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã giảm khoảng gần 3,9% nếu tính từ giá mở cửa 1.884USD/oz xuống mức giá đóng cửa 1.811USD/oz. Trên thực tế, giá vàng đã có thời điểm giảm xuống mức 1.799USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm theo đà giảm của giá vàng quốc tế khi giảm từ mức 70,4 triệu đồng/lượng xuống 69,4 triệu đồng/lượng.

Sở dĩ giá vàng giảm mạnh trong tuần này do các quỹ đầu tư, nhà đầu tư phải bán tháo vàng để bù lỗ cho các tài sản khác, như chứng khoán, tiền ảo… cũng đã giảm mạnh trong tuần này. Bởi vì vàng có thanh khoản rất cao, nên các nhà đầu tư có thể xử lý nhanh chóng để bổ sung ký quỹ cho các tài sản khác.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 4 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù CPI tháng 4 giảm so với kỳ trước là 8,5%, nhưng vẫn cao hơn mức dự kiến là 8,1% và cũng là mức cao nhất trong hơn 40 năm qua. Khảo sát mới đây của Đại học Michigan cũng cho thấy lạm phát của Mỹ có thể vẫn sẽ ở mức cao như hiện nay trong khoảng 1 năm tới.

Tuy nhiên, chỉ số tâm lý tiêu dùng theo khảo sát nói trên lại giảm mạnh từ mức 65,2 điểm xuống 59,7 điểm- mức thấp nhất trong 11 năm qua, cho thấy áp lực lạm phát đang làm giảm mức độ chi tiêu tiêu dùng, trong khi đây là động lực lớn của tăng trưởng GDP của Mỹ. Do vậy, đà suy giảm kinh tế Mỹ có thể vẫn sẽ tiếp tục trong quý 2.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng Fed có thể vẫn sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất trong các kỳ họp sắp tới để đối phó với áp lực lạm phát, nhất là khi chiến sự Nga- Ukraine vẫn tiếp tục kéo dài và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây ngày càng mạnh mẽ hơn.

Với kỳ vọng Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất, nên USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể tiếp tục tăng mạnh, đây là 2 cơn gió ngược đang thổi mạnh vào giá vàng tuần tới. Trong đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Còn USD Index cũng đã tăng vọt lên trên 104 điểm- mức cao nhất trong 20 năm qua.

Ông Bart Melek, Giám đốc chiến lược của TD Securities, cho rằng giá vàng đang chịu sức ép điều chỉnh trong ngắn hạn. Theo đó, biên độ dao động của giá vàng tuần tới có thể từ 1.790- 1.830 USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng tuần tới vẫn có nguy cơ giảm xuống mức thấp hơn nữa, đặc biệt nếu chúng ta chứng kiến các con số kinh tế Mỹ tốt hơn dự kiến, giá năng lượng tăng cao hơn nữa trong tuần tới.

Theo phân tích kỹ thuật, khi giảm xuống dưới 1.840USD/oz, giá vàng đã phá vỡ kênh tăng giá ngắn hạn. Tuy nhiên, các chỉ số Stochastic, RSI đã vào vùng vượt bán trên biểu đồ ngày, nên giá vàng tuần tới có thể sẽ có thời điểm phục hồi nhất định. Điều này sẽ còn phụ thuộc vào các số liệu kinh tế Mỹ công bố tuần tới, như doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và tình hình địa chính trị ở Ukraine, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông… Theo đó, nếu giá vàng tuần tới trụ vững trên 1.780USD/oz, thì sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại, nhất là khi giá vàng tuần tới đóng cửa trên 1.850USD/oz. Ngược lại, giá vàng có thể tiếp tục xuống vùng 1.720USD/oz, thậm chí 1.680USD/oz trước khi tăng giá trở lại.

Giá vàng tuần tới có thể sẽ vẫn còn chịu áp lực sau khi giá vàng phá vỡ kênh tăng giá ngắn hạn.

Dù giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, giá vàng vẫn nằm trong kênh tăng giá. Hơn nữa, các yếu tố cơ bản vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho đà tăng giá vàng dài hạn.

Thứ nhất, chiến sự Nga- Ukraine được dự báo có thể sẽ còn kéo dài. Bởi vì Nga cảnh báo sẽ chỉ chấm dứt chiến sự khi Ukraine nhượng bộ. Trong khi Ukraine quyết tâm không chịu nhượng bộ và đang đáp trả quyết liệt các cuộc tấn công của Nga với sự hậu thuẫn về tài chính và vũ khí từ Mỹ và phương Tây. Cuộc chiến càng kéo dài, thì rủi ro khủng hoảng địa chính trị, địa kinh tế càng gia tăng và vai trò trú ẩn của vàng sẽ càng tăng cao hơn. Đó là chưa kể nếu NATO kết nạp Thủy Điển và Phần Lan, thì tình hình ở khu vực này sẽ còn phức tạp hơn nữa.

Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, vẫn còn mong manh sau những đợt tàn phá của đại dịch COVID-19, áp lực lạm phát tăng mạnh do chiến sự Nga-Ukraine và các đòn trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Nga, cũng như chiến lược zero-Covid của Trung Quốc, đã và đang làm suy giảm sức mua, khiến đà tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia giảm tốc mạnh. Do đó, Fed nói riêng và nhiều ngân hàng trung ương khác sẽ phải thận trọng thắt chặt tiền tệ. Theo đó, lãi suất thực âm vẫn sẽ còn kéo dài ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, vàng vẫn sẽ hấp dẫn.

Thứ ba, ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Nga, Trung Quốc… tiếp tục mua gom vàng để bảo toàn giá trị quỹ dự trữ ngoại hối và củng cố cho đồng nội tệ…

Theo Ngọc Anh/diendandoanhnghiep.vn

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/usd-tang-vot-gia-vang-tuan-toi-con-giam-tiep-a36291.html