Linda Lê - người khám phá đến tận cùng ý nghĩa của ngôn từ

PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng Linda Lê luôn quyết liệt khám phá ý nghĩa của ngôn từ. Điều đó tạo nên phong cách riêng, cũng là điều khiến độc giả yêu mến các tác phẩm của bà.

Linda Lê, tiểu thuyết gia gốc Việt nổi tiếng trên văn đàn thế giới, qua đời hôm 9/5. Để tưởng nhớ nhà văn, tọa đàm "Linda Lê - Như trong ký ức" được tổ chức sáng 29/5 tại Hà Nội. Chương trình được thực hiện để chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp và cả những suy tư, trăn trở trong sáng tác của nhà văn.

Linda Le anh 1

Nhà văn Linda Lê. Ảnh: Telerama.

Khám phá đến tận cùng ý nghĩa của ngôn từ

Hiếm có nhà văn gốc Việt nào được giới phê bình Pháp đánh giá cao như Linda Lê. Bà không chỉ có những tác phẩm đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng mà còn nhận nhiều giải thưởng văn học giá trị như giải Vocation (1990), giải Renaissance de la nouvelle (1993), giải Fénéon (1997), giải Wepler (2010)…

Năm 2012, cuốn tiểu thuyết Sóng ngầm của Linda Lê được xem là một trong những tác phẩm giá trị của mùa văn học Pháp năm ấy, lọt vào danh sách 4 đề cử chung kết giải Goncourt.

Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, theo mẹ sang Pháp năm 14 tuổi trong khi cha vẫn ở lại Việt Nam. Các tác phẩm của bà có sự giao thoa giữa nhiều chủ đề: Mất mát, lưu vong, các mối quan hệ trong gia đình và những tổn thương thời thơ ấu đeo đẳng đời sống của người trưởng thành.

PGS.TS Ngô Văn Giá là người từng có cơ hội gặp và làm việc cùng nhà văn Linda Lê. Chia sẻ trong buổi tọa đàm, ông cho biết ấn tượng đầu tiên của mình về bà rất đặc biệt. Linda Lê thường chỉ dùng đồ màu đen, từ quần áo đến giày dép, ngay cả mái tóc bà cũng giữ nguyên màu gốc.

Dường như chúng càng làm tôn lên khuôn mặt sáng ngời cùng ánh mắt sắc của Linda Lê. Tất cả hợp lại cùng nhau tạo ra nét bí ẩn đặc biệt của nữ nhà văn người Pháp gốc Việt này.

Theo PGS.TS Ngô Văn Giá, Linda Lê luôn muốn khám phá đến tận cùng mọi ý nghĩa của ngôn từ, trong trường hợp này chính là tiếng Pháp.

Không khó để nhận ra phong cách sử dụng từ ngữ đầy quyết liệt, mạnh bạo và luôn truy bức đến tận cùng ý nghĩa của con chữ. Văn phong của bà không dễ đọc, với bất kỳ độc giả nào đã vượt qua được “lớp rào” đầu tiên đó thì mọi chuyện lại rất khác.

Cũng bởi sự quyết liệt đó mà Linda Lê đã chinh phục được độc giả Pháp - nơi có những ánh nhìn, đánh giá khắt khe - và dần dần chinh phục cả độc giả thế giới.

Linda Le anh 2

Một tác phẩm của Linda Lê. Ảnh: Nhã Nam.

Người của những sự đứt gãy

Thông qua các tác phẩm như Sóng ngầm, Lại chơi với lửa, Thư chết, Vu khống, người đọc thấy được tâm tư, tình cảm hay thậm chí cả những ẩn ức, ám ảnh của bà.

Trả lời phỏng vấn nhà văn Vũ Hồi Nguyên vào năm 2010, Linda Lê đã thổ lộ về “văn” của mình, về cái “chất” mà độc giả hâm mộ luôn yêu thích.

Nữ nhà văn luôn cảm thấy sự đứt gãy giữa bản thân và thế giới bên ngoài. Dù không còn cực lực đối kháng, bà không hoàn toàn yên bình. Dường như luôn tồn tại một xung năng ngầm thúc đẩy bà phải khai phá chiều sâu.

"Với tôi, viết là một cuộc đấu tranh từng ngày. Nổi loạn chống lại thực tại, đem cái mộng vào cõi thực, những việc ấy nhiều khi có vai trò một chỗ buông neo. Chính từ đó mà tôi viết để sáng tạo những thế giới song trùng", Linda Lê chia sẻ trong bài phỏng vấn năm 2010.

Linda Le anh 3

Nhiều độc giả tham dự tọa đàm về Linda Lê sáng 29/5. Ảnh: N. N.

Trong cuốn Sóng ngầm, tác giả khám phá sự phức tạp trong mối quan hệ gia đình, nguồn cội, ngôn ngữ và sự cách biệt văn hóa. Bốn nhân vật, mỗi người một giọng kể, mỗi người một tâm tư, bị ràng buộc với nhau bởi một câu chuyện.

Thư chết là một cuộc tìm kiếm tuổi thơ đã mất. Giờ phút xếp lại những bức thư của người cha vừa khuất là dịp để con gái thổ lộ nỗi đau giằng xé tâm can vốn kìm nén suốt 20 năm trời cha con xa cách. Gọi là “Thư chết” bởi thư được gửi tới người quá cố, cũng chính vì thế mà không bao giờ đến tay người nhận. Lá thư giống như lời thỉnh cầu âm thầm trước vong linh người cha, hiển hiện một khao khát mãnh liệt được nối kết, được hàn gắn.

Cái chết cũng là một trong những chủ đề trở đi trở lại trong văn chương Linda Lê. Năm 2018, trả lời phỏng vấn Zing, tiểu thuyết gia cho biết bà viết về cái chết như nói về tình yêu, về khát khao, về nỗi sợ tồn tại trên đời, về hạnh phúc được khám phá “người khác”, được đắm chìm trong sách vở, được tự tạo cho mình cả một thế giới thông qua văn chương.

“Cái chết là một phần của sự sống, là mặt ngược lại của sự sống mà ta không thể tránh nhìn trực diện”, Linda Lê từng nói.

Nói về nhà văn, chị Hạnh Trần - một độc giả trung thành của Linda Lê - chia sẻ: “Linda Lê là một tác giả tài năng. Thực sự thế! Bà mang vào trong văn chương của mình những nỗi niềm một cách vừa tự nhiên vừa căng thẳng, bà miêu tả các mối quan hệ trong gia đình đầy nỗi niềm nhưng cũng rất đỗi khách quan. Có lẽ, lý do lớn nhất ở chỗ bà là con người của những sự đứt gãy".

Theo độc giả Hạnh Trần, Linda Lê luôn cảm thấy tồn tại một sự đứt gãy nào đó giữa mình với thế giới. Bà sống ở hiện tại nhưng tâm trí lại đặt nhiều hơn trong quá khứ; sáng tác tại Pháp nhưng tinh thần lại mang nhiều nét quê hương (đặc biệt là các hình ảnh về nhân vật người bố); thường xuyên viết về cái chết nhưng lại khiến độc giả cảm nhận được nét hiện sinh.

HỨA MỘC

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/linda-le-nguoi-kham-pha-den-tan-cung-y-nghia-cua-ngon-tu-a39056.html