9 nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận
Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đổi mới, chân thành, tin cậy, trách nhiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính các đại biểu tham dự hội nghị cần tập trung thảo luận 9 nhóm vấn đề.
Đó là những chính sách hỗ trợ người nông dân phục hồi sau dịch COVID-19, nhất là khi giá vật tư đầu vào tăng cao, còn đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn.
Vấn đề liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó liên kết trung tâm giữa "4 nhà" là Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông và nhà khoa học, đồng thờiđịnh hướng phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới.
Việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số.
Cùng với đó là vấn đề gia tăng lợi nhuận cho người dân khi "gia công trong nông nghiệp", trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có cả một số doanh nghiệp nước ngoài.
Giải pháp, chính sách tăng tỷ lệ chế biến và xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường.
Xây dựng, thành lập một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo cho sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa mất giá.
Vấn đề định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, đảm bảo sinh kế, việc làm khi đất bị thu hồi... Từ đó, tạo cơ sở để người dân nhận được lợi ích tương xứng khi hợp tác với doanh nghiệp.
Việc đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp quốc gia, lan tỏa nhiều hơn các ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp do nông dân khởi xướng.
Và vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành nông nghiệp.
"Một cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề. Chúng ta phải không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu
Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam, điểm mới tại hội nghị năm nay là đối thoại đa chiều. Cụ thể, ngoài các nông dân tiêu biểu, xuất sắc, còn có các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về tam nông và các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp sẽ tham gia đối thoại với người đứng đầu Chính phủ.
Đặt câu hỏi tại hội nghị, ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: Thời gian qua, người nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Như Kiên đặt câu hỏi, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ hoạt động thông quan, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc?
Trả lời câu hỏi của người dân về vấn đề xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Thủ tướng đã có giao thiệp với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, tiếp xúc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cùng Bộ Công Thương có buổi làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản. Hiện vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với tỉnh bạn để giao lưu hàng hoá giữa 2 nước.
“Tuy nhiên, chính sách chống dịch của Trung Quốc và của chúng ta khác nhau, đây là một trong những nguyên nhân khách quan tác động đến việc xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc.
Trung Quốc cũng không còn dễ tính như trước đây, họ tăng cường kiểm soát hàng hoá chặt chẽ hơn; quy định của họ cũng ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc muốn tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết, muốn xuất khẩu được hàng hoá thuận lợi sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp với người dân để cùng nâng cao giá trị nông sản.
Hà Anh
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/thu-tuong-ket-noi-doanh-nghiep-voi-nguoi-dan-de-nang-cao-gia-tri-nong-san-a39121.html