Dòng tiền đổ vào đầu cơ bất động sản rất nguy hại
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng siết chặt việc cấp vốn cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, bao gồm đầu tư hay kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu kéo dài, siết tín dụng sẽ tạo ra ảnh hưởng không tốt đến tình hình hoạt động của thị trường bất động sản.
Trao đổi về vấn đề này, bên hàng lang Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng chúng ta phải rất cân nhắc việc siết với thị trường bất động sản.
Theo ông Cường, đúng là việc đầu cơ tài sản rất nguy hại khi Việt Nam đang trong quá trình phục hồi kinh tế, đặc biệt khi thực hiện chính sách tài chính và tiền tệ. Chúng ta đang muốn tăng thêm cung tiền, giảm lãi suất để bơm nguồn tiền cho nền kinh tế.
Theo ông Hoàng Văn Cường, dòng tiền đổ vào đầu cơ bất động sản là rất nguy hại
Nếu như nguồn tiền đó “chảy” vào lĩnh vực đầu cơ tài sản, như vào các hoạt động trao đi đổi lại, mua bán chứng khoán, mua bán bất động sản để đầu cơ sẽ rất nguy hại cho nền kinh tế. Chính vì vậy, các chính sách của Việt Nam từ trước tới nay luôn phải kiểm soát dòng tiền; không để dòng tiền "đổ" vào lĩnh vực đầu cơ tài sản: chứng khoán, bất động sản.
Rạch ròi đầu cơ và đầu tư bất động sản
Đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh đầu cơ bất động sản với phát triển bất động sản là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.
Theo đó, trong quá trình nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi và phát triển, những hoạt động tạo ra giá trị của cải, tạo ra sản phẩm cần phải được khuyến khích. Ví dụ, để phục vụ quá trình phục hồi kinh tế, cần đầu tư hệ thống hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Dòng tiền cần "chảy" vào những lĩnh vực như vậy rất cần, giúp cho nền kinh tế phát triển.
Đối với bất động sản, cũng cần có các công trình nhà ở ra đời, sản xuất vật liệu xây dựng. Như vậy, hoạt động xây dựng, tạo lập các công trình bất động sản thì đó là hoạt động sản xuất, tạo ra tăng trưởng kinh tế. Không thể nào hạn chế hoặc kìm hãm những hoạt động như vậy mà cần phải thúc đẩy.
“Còn riêng lĩnh vực đầu cơ như mua sản phẩm bất động sản rồi để đó, không sản xuất - kinh doanh, không mang lại giá trị cho xã hội thì phải ngăn chặn”, ông Cường khẳng định.
Theo ông Cường, có những doanh nghiệp kiếm tiền chỉ bằng vay tiền ngân hàng, huy động vốn, mua đất đai, xong tìm các biện pháp trao đi đổi lại, như: Phân lô bán nền, hợp pháp hóa từ không phải đất ở thành đất ở và kiếm tiền từ việc tăng giá. Việc này không phải phát triển bất động sản mà chính là đầu cơ bất động sản. Đầu cơ trên tài nguyên đất đai để kiếm tiền bị lên án là đúng và chính sách cần hạn chế việc này.
“Như vậy nói đến việc siết bất động sản thì phải rất rạch ròi giữa đầu cơ và đầu tư”, ông Hoàng Văn Cường nói.
Nếu doanh nghiệp bất động sản có hoạt động đầu tư, biến một mảnh đất trống thành khu vực có hạ tầng, có công trình, phát triển thành các khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp, mang lại giá trị cho xã hội, tạo ra sự giàu mạnh cho đất nước, cần phải được khuyến khích.
Kiểm soát dòng tiền
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường cần kiểm soát dòng tiền khi giải ngân cho doanh nghiệp
Về giải pháp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng giải pháp quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là kiểm soát dòng tiền vào lĩnh vực đầu cơ bất động sản, chứ không phải siết thị trường bất động sản, siết dòng tiền vào bất động sản.
“Chúng ta phải kiểm soát dòng tiền đổ vào doanh nghiệp. Ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp cần phải kiểm soát xem tiền đấy "chảy" đi đâu, chuyển cho ai, sau khi giải ngân rồi sản phẩm đấy có bán được không, bán xong rồi dòng tiền đấy quay về đâu. Kiểm soát được điều này sẽ biết được dòng tiền đi vào đầu cơ hay đầu tư”, ông Cường nhấn mạnh.
Từ đó ông Cường khẳng định đừng nói siết bất động sản, hãy kiểm soát dòng tiền không để đổ vào đầu cơ bất động sản. Điều này mới đúng bản chất của vấn đề.
Theo VTV
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/thi-truong-bat-dong-san-siet-dau-co-khong-siet-dau-tu-a39945.html