Giải mã 'sức hút' Việt Nam trong mắt doanh nghiệp Đức

Theo ông Marko Walde – Trưởng Đại diện AHK Việt Nam, các doanh nghiệp Đức rất quan tâm đến Chiến lược "Trung Quốc+1" và Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam là lựa chọn hàng đầu.

Giải mã 'sức hút' Việt Nam trong mắt doanh nghiệp Đức
Ông Marko Walde – Trưởng Đại diện AHK Việt Nam chia sẻ với báo chí về kết quả khảo sát. (Ảnh: Vân Chi)

Ngày 8/6, Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) đã chính thức công bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam với chủ đề “Việt Nam – Biến nghịch cảnh thành cơ hội – Tận dụng lợi thế để phục hồi kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài”.

Mỗi năm, AHK Việt Nam thực hiện 2 kỳ khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức với môi trường kinh doanh và triển vọng phát triển tại Việt Nam. Trong kỳ khảo sát này, AHK Việt Nam nhận được phản hồi từ 4.200 doanh nghiệp Đức đang hoạt động trên 200 quốc gia, trong nhiều lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, thương mại...

Theo kết quả khảo sát, gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới.

Kỳ vọng vào nền kinh tế

Theo ông Marko Walde – Trưởng đại diện AHK Việt Nam, việc mở cửa biên giới cùng với các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã tạo động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Doanh nghiệp Đức lạc quan hơn về triển vọng phát triển kinh tế trong 12 tháng tới, so với thời điểm mùa Thu năm 2021.

Theo đó, hơn 46% doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới. Doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cũng bày tỏ rằng, các yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác, vận tải và logistics.

Thu hút FDI nhờ tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do

Khảo sát của AHK Việt Nam cho thấy, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng, việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp Đức cũng thường xuyên tận dụng Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Khi triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp Đức đánh giá những yếu tố sau là quan trọng nhất: nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật (58,3%), chất lượng giáo dục của các ngành kỹ thuật (58,3%), hàng rào thương mại thuế quan (56,5%).

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất lớn của khu vực và thế giới

Giải mã sức hút Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp Đức, ông Marko Walde cho biết, các doanh nghiệp Đức rất quan tâm đến Chiến lược "Trung Quốc+1" và khu vực Đông Nam Á là một trong những lựa chọn hàng đầu của Chiến lược này. Trong 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, chỉ có 4 nước tham gia vào các FTA và chỉ có 2 quốc gia là Việt Nam và Singapore là có FTA với EU.

"Đây là những lợi thế rất lớn của Việt Nam khiến Việt Nam trở nên đặc biệt thu hút và có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất lớn của khu vực và thế giới", ông Marko Walde khẳng định.

Ngoài ra, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt là sau khi hai bên nâng tầm lên quan hệ Đối tác chiến lược, ngày càng củng cố thêm niềm tin của các doanh nghiệp Đức vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Marko Walde cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà Việt Nam cần khắc phục như ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu, hệ thống giáo dục dạy nghề cần tiếp tục được quan tâm và chú trọng, cơ sở hạ tầng còn thiếu và nhiều bất cập...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, dù doanh nghiệp Đức đang thể hiện khả năng chống chịu trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, họ vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức do bất ổn toàn cầu.

Đa số doanh nghiệp Đức cho rằng, rủi ro lớn nhất là giá nguyên liệu thô, giá năng lượng và sự thiếu hụt tay nghề cao. Xung đột Nga-Ukraine cũng gây ra những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Đức. Với những rủi ro, thách thức này, thời gian tới, doanh nghiệp Đức sẽ cẩn trọng hơn, chiến lược đầu tư sẽ được tính toán kỹ hơn, tuy nhiên, niềm tin dành cho đối tác Việt Nam vẫn là rất lớn và được ưu tiên, so với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

AHK World Business Outlook - Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu là cuộc khảo sát hàng năm của mạng lưới các Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại nước ngoài (AHKs). Nhờ sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và trên toàn thế giới, khảo sát doanh nghiệp Đức AHK WBO được các nhà hoạch định kinh tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và các chuyên gia trên thế giới và Việt Nam xem là thước đó đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức.

Kết quả cuộc khảo sát sẽ là kim chỉ nam nhằm đánh giá về tình hình phát triển và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Đức, cũng như những kỳ vọng của nhà đầu tư Đức đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đối tượng tham gia khảo sát: Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đang hoạt động trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau: Dịch vụ, Công nghiệp/Xây dựng, Thương mại. 

VÂN CHI

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/giai-ma-suc-hut-viet-nam-trong-mat-doanh-nghiep-duc-a41119.html