Nhà thầu càng làm càng lỗ nên chờ để bù giá
Đã qua nửa đầu năm 2022 nhưng kết quả ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn rất thấp. Chính phủ, các cơ quan hữu quan đang ngày càng sốt ruột khi quỹ thời gian còn lại không còn nhiều.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2022 đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%).
Mới có 5 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (50,48%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Văn phòng Chính phủ (38,88%), Lâm Đồng (49,4%), Bình Thuận (41,98%).
Ngược lại, 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; đặc biệt có 5 cơ quan trung ương còn chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Chuyên gia kinh tế-tài chính Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đánh giá: Kết quả giải ngân trên không đáng kể, chưa đáp ứng nhu cầu và mục tiêu. Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, song sâu sa là tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” trong cách triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương đến nay chưa phân bổ hết hoạch vốn đầu tư công năm 2022 và là việc khó chấp nhận. Các chuyên gia cũng nhận định, thực tế này cho thấy sự thiếu tự giác, chủ động trong triển khai công tác theo hướng tranh thủ thời gian để có cơ hội giải ngân càng sớm càng tốt.
Một nguyên nhân mang tính tình huống là giá một số nguyên, vật liệu tăng khiến quá trình giải ngân đầu tư công chậm lại. Cùng với đó là sự chưa quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc, hoạt động điều hành, của người đứng đầu các đơn vị, địa phương.
Từ góc độ địa phương, UBND tỉnh Hà Nam cho biết, kết quả giải ngân của tỉnh còn hạn chế do năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian, mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày. Đấu thầu mất tới 30 ngày.
Nếu cho phép chỉ định thầu thì rút ngắn được thời gian hơn. Ngoài ra, giá sắt thép, xi-măng tăng gây ảnh hưởng rất lớn, nhà thầu càng làm càng lỗ nên họ chờ để bù giá.
Ngoài ra, hiện cách tính giá đất cũng còn bất cập, đang sửa đổi quy định, nhưng nếu không sớm ban hành thì sẽ tắc trong thực hiện.
Phối hợp và quy trách nhiệm
Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo với nhiều văn bản, thành lập 6 đoàn công tác ở các bộ ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời tại sao chưa giải ngân được. Tuy vậy, tình hình thực sự không được cải thiện nhiều.
“Chúng ta cũng chưa quyết liệt, chưa tập trung, nghiêm túc, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nguyên nhân tồn tại từ lâu như tổ chức giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, năng lực tư vấn còn vướng mắc, chậm, bên cạnh quy định, thủ tục phức tạp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh, cắt giảm, bổ sung vốn kế hoạch năm 2022 giữa các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân tốt hơn để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng như một số cơ quan đều ủng hộ việc tách phần việc giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án tổng thể để có thể triển khai sớm và chủ động hơn.
Trước thực trạng này, các chuyên gia đề xuất Bộ Tài chính có giải pháp, cơ chế, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công khi giá vật liệu xây dựng tăng cao.
UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục duy trì hoặc thành lập mới tổ công tác liên ngành cấp tỉnh do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để thúc đẩy, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý “ điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công; nhất là các dự án trọng điểm, động lực.
“Nếu không quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ cả năm. Để thúc đẩy công tác trên cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ban, ngành cùng quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
Trong đó, đặc biệt đề cao trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành; phân định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể quy trách nhiệm cũng như thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Hà Anh
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-dau-nam-dung-dinh-cuoi-nam-voi-vang-a42400.html