Vừa qua, Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất (SDĐ), tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Theo đó, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6 được xây dựng sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI, năm 2012.
Trên cơ sở đánh giá tình hình, thực trạng của chính sách quản lý và SDĐ, BCH Trung ương đã nêu những quan điểm lớn về quyền sở hữu đất đai; thể chế, chính sách về đất… Cùng với đó là hàng hoạt mục tiêu cụ thể kèm giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Quyền SDĐ không phải là quyền sở hữu
Tại phần quan điểm, Nghị quyết 18 một lần nữa khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch SDĐ; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền SDĐ, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn SDĐ; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người SDĐ tạo ra.
Về quyền SDĐ, đây là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền SDĐ, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người SDĐ có quyền và nghĩa vụ SDĐ theo quy định của pháp luật.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân…
Đánh thuế cao hơn với nhiều trường hợp
Một trong những mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới mà BCH Trung ương đề ra đó là “hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, SDĐ đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Để đạt được điều này, Bộ Chính trị, các tỉnh ủy, thành ủy, Ban cán sự đảng Chính phủ… theo nhiệm vụ, quyền hạn cần tổ chức thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, giải pháp; trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai.
Cụ thể, Nghị quyết 18 nêu rõ chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người SDĐ và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền SDĐ, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.
Rà soát chính sách, pháp luật về thuế SDĐ nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế SDĐ theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp.
Đồng thời quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm SDĐ, bỏ đất hoang. Có chính sách ưu đãi thuế, tiền SDĐ, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng…
Bỏ khung giá đất Với mục tiêu hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, Nghị quyết 18 xác định “bỏ khung giá đất”, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Cụ thể, trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên. Cùng với đó, bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm... |
QUỲNH LINH
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/se-danh-thue-cao-hon-voi-nguoi-co-nhieu-nha-dat-a44480.html