Biến thể mới ngấp nghé xâm nhập, tiêm vaccine vẫn là “vũ khí chiến lược”

Dịch COVID-19 tại nước ta đang được kiểm soát tốt, giảm mạnh số ca mắc mới, số ca bệnh nặng và không ghi nhận ca tử vong trong nhiều ngày. Tuy nhiên, theo WHO, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, nhất là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới làm cho dịch bệnh phức tạp trở lại.

Những ngày gần đây, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang khiến các quốc gia châu Âu ghi nhận số bệnh nhân mắc COVID-19 gia tăng trở lại, báo hiệu một đợt dịch tiếp theo sẽ xảy ra.

Tại Việt Nam, với gần 228 triệu liều vaccine đã được tiêm phòng, trong đó, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại thứ nhất (mũi 3) tại các địa phương đạt khoảng 50-60%, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại thứ 2 (mũi 4) đạt 4%, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người dân cần đi tiêm các mũi nhắc lại càng sớm càng tốt để tăng cường hiệu quả bảo vệ sức khỏe cũng như miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh.

Hiện nhiều nước trên thế giới đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron.

bien the moi ngap nghe xam nhap, tiem vaccine van la vu khi chien luoc hinh anh 1

Ảnh minh họa.

Do vậy việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc các khu công nghiệp....

TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế  cung cấp thông tin đáng chú ý từ Hệ thống quản lý điều trị COVID-19, trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng COVID-19; 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.

"Trong các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, kháng thể kháng SARS-CoV-2 giảm đáng kể sau khi tiêm mũi 3 là 15 tuần, đặc biệt với biến chủng Omicron, do vậy việc tiêm mũi 4 hay còn gọi là mũi nhắc lại lần 2 rất quan trọng, cần thiết. Điều này thể hiện qua nhiều nghiên cứu của các tổ chức y khoa thế giới về hiệu quả của vaccine, đặc biệt gần đây nghiên cứu từ Tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới cho thấy hiệu quả bảo vệ mũi 4 ở cả 5 cấp độ phòng ngừa bao gồm hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh, thứ hai phòng mắc bệnh có triệu chứng, thứ ba mắc bệnh phải nhập viện, thứ tư mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và cuối cùng là phòng mắc bệnh dẫn đến tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), hiện nay biến thể phổ biến trên thế giới vẫn là Omicron nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Do đó, với những ai chưa tiêm đủ, hoặc trì hoãn tiêm vaccine cần đi tiêm ngay: "Vaccine phòng chống Covid 19 làm giảm tỷ lệ mắc nặng, giảm nhập viện và không quá tải y tế và giảm tử vong. Tuy nhiên, sau thời gian, hiệu lực bảo vệ, miễn dịch giảm, như vậy muốn có miễn dịch tăng lên đáp ứng phòng bệnh phải tiêm nhắc lại, sau khi tiêm nhắc lại thì hiệu quả bảo vệ của vaccine tăng, đặc biệt người nguy cơ cao, có bệnh nền, người già, người suy giảm miễn dịch".

Gần một tháng trở lại đây, số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày tại nước ta từ 600-700 ca, nhiều ngày không ghi nhận ca tử vong. Điều này có được do hiệu quả bao phủ tiêm phòng vaccine COVID-19 tại Việt Nam cho 2 mũi cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên rất cao (trên 95%), tuy nhiên, vaccine phòng COVID-19 có miễn dịch không bền vững và suy giảm theo thời gian, do vậy, việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để tiêm nhắc mũi thứ 4.

Bên cạnh nhiều nghiên cứu trên y văn thế giới thì gần đây, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã ghi nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu gần 600.000 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm COVID-19. Kết quả cho thấy vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc Hội chứng Viêm đa hệ thống (MIS-C) ở nhóm đã tiêm vaccine, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc COVID-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C; trong khi nhóm chưa tiêm vaccine COVID-19 thì 1 triệu trẻ mắc COVID-19 có tới 45 trẻ bị MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vaccine để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em nhiễm COVID-19 lên tới trên 90%.

Số liệu theo dõi tử vong do COVID-19 ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho thấy, số tử vong ở độ tuổi này mặc dù thấp, chỉ chiếm 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước, tuy nhiên, việc trẻ mắc các bệnh lý hậu COVID-19 tạo áp lực lên hệ thống y tế và gánh nặng chi phí cho các gia đình.

Chỉ riêng với Hội chứng MIS-C, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM trong gần 1 năm qua đã tiếp nhận và điều trị 153 ca; trong đó số chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 là 149 ca, chiếm tới 97,4%. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay cũng đã tiếp nhận và điều trị 370 trẻ em bị MIS-C, hầu hết trong số này là những trẻ chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, việc điều trị với các em nhỏ mắc Hội chứng Viêm đa hệ thống cùng một số bệnh hậu COVID-19 khác rất khó khăn, đòi hỏi trẻ cần phải được tiêm vaccine để phòng ngừa được các bệnh lý này: "Với hội chứng viêm đa cơ quan này có những cháu phải thở máy, lọc máu, thậm chí làm màng trao đổi ôxy ngoài cơ thể Ecmo và tình trạng các cháu rất nặng nề, phương pháp điều trị  tốn kém với thuốc truyền hàng trăm triệu, do vậy ảnh hưởng của hậu COVID không chỉ là tính mạng mà cả gánh nặng kinh tế kèm theo rất là nhiều. Do vậy thời gian tới có thuốc có thuốc kể cả thuốc cho trẻ dưới 5 tuổi thì nên tiêm ngay cho các cháu để dự phòng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ tăng nặng và giảm các triệu chứng hậu COVID-19"./.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau, đã phân bổ 228,8 triệu liều vaccine, còn lại hơn 22,2 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer. Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, cần tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý 2/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, nhập khẩu và phân bổ vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới, đồng thời nhấn mạnh tinh thần gương mẫu trong thực hiện tiêm vaccine, có chế tài xử lý phù hợp.

Thúy Ngà/VOV1

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/bien-the-moi-ngap-nghe-xam-nhap-tiem-vaccine-van-la-vu-khi-chien-luoc-a44644.html