GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. GDP 6 tháng cũng tăng 6,42%. Kết quả này là minh chứng cho bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét và nhiều lĩnh vực đang đà phục hồi mạnh mẽ. Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã phân tích về cơ sở, động lực cho tăng trưởng và đưa ra dự báo cho 6 tháng cuối năm. Đồng thời, bà Hương cũng giải thích rõ về chỉ số giá tiêu dùng và mức lạm phát-vấn đề dư luận đang hết sức quan tâm.
Thưa bà, kết quả tăng trưởng rất tích cực nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và có băn khoăn rằng liệu con số này có "hơi lạc quan"? Xin bà chia sẻ cách tính để lý giải rõ ràng cho kết quả GDP?
Bà Nguyễn Thị Hương: Tổng cục Thống kê thực hiện tính toán GDP dựa vào hướng dẫn của cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc và thường xuyên báo cáo cập nhật phương pháp luận và kết quả tính toán hàng năm cho cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc, IMF.
Tính toán GDP hằng quý được thực hiện theo 2 phương pháp nhằm xem xét kết quả hoạt động sản xuất của toàn bộ nền kinh tế dưới các góc độ khác nhau nhằm hỗ trợ, bổ sung các phạm vi chưa được quan sát đầy đủ.
Trước tiên, theo phương pháp sản xuất, kết quả sản xuất của các ngành kinh tế tạo ra trong quý được tiếp cận từ các đơn vị sản xuất gồm: Doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, cơ sở kinh doanh cá thể, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, các đơn vị sự nghiệp… qua các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí, sản lượng, diện tích… từ các nguồn gồm: Điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê quốc gia, hồ sơ hành chính…
Theo phương pháp sử dụng, GDP được tính toán dựa vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; số liệu về thu, chi ngân sách Nhà nước (từ Bộ tài chính); trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (số liệu từ Tổng cục Hải quan); kết quả hoạt động xây dựng, nhập khẩu máy móc thiết bị và từ kết quả nhiều cuộc điều tra khác…
Quan sát theo cả góc độ sản xuất và sử dụng sẽ cho kết quả biên soạn GDP đầy đủ hơn khi có sự bổ trợ thông tin để kiểm tra chéo về sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã tiến hành ước tính GRDP cho các tỉnh, thành phố từ cuối tháng 5. Kết quả biên soạn GRDP một lần nữa cung cấp thêm công cụ kiểm tra số liệu GDP từ góc độ chi tiết bảo đảm tính logic và tương thích với các cách tiếp cận khác nhau.
Với góc nhìn đa chiều, kết quả tính toán GDP dù ở thời điểm nào cũng phải tuân theo các quy định cụ thể, chặt chẽ về phương pháp luận và bảo đảm logic, phù hợp với thực trạng kinh tế của Việt Nam. Quá trình biên soạn GDP, GRDP sẽ được tường minh và công khai để mọi người dân có thể cùng theo dõi, giám sát.
Nhìn vào kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022, nước ta đã có mức tăng trưởng khá cao kể từ quý I/2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện và làm sụt giảm tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, nền kinh tế quý II đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây, đạt 7,72% với tốc độ tăng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ lần lượt là 3,02%, 8,87% và 8,56%.
Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn về động lực phát triển kinh tế quý II/2022, chúng ta sẽ thấy rõ bản chất của con số. Trong tổng số 7,72% GDP quý II, đóng góp của khu vực dịch vụ khá cao với tốc độ tăng trưởng 8,56%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 trở lại đây, cao hơn quý II năm 2016 (là quý có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2) gần 1 điểm phần trăm và đóng góp 3,89 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Lý do khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao như vậy do các ngành dịch vụ mà chủ yếu là dịch vụ thị trường hồi phục mạnh mẽ khi dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt, mọi hoạt động trong đời sống xã hội diễn ra bình thường như trước đại dịch, du lịch trong nước và quốc tế khởi sắc.
Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao 2 con số trong quý II/2022 như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,92%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,7%; nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 14%; hoạt động dịch vụ khác tăng 16,6%. Các ngành này có mức tăng trưởng ngoạn mục, tuy nhiên, khi so sánh với quý II năm 2019, là năm trước khi xảy ra đại dịch thì vẫn có mức tăng trưởng thấp. Nghĩa là quy mô các ngành này (theo giá so sánh) chưa trở về hoặc xấp xỉ mức cách đây 3 năm.
Ngoài khởi sắc của dịch vụ, bà có thể cho biết thêm về những động lực khác cho sự tăng trưởng?
Bà Nguyễn Thị Hương: Ngoài ngành dịch vụ mà chủ yếu là dịch vụ thị trường hồi phục mạnh mẽ, kết quả tăng trưởng khá nhờ vào động lực và đóng góp của một số ngành, lĩnh vực khác.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%;…
Thêm vào đó, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 11,7% (tăng cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây), thể hiện cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân đã hồi phục và gia tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân không còn bị hạn chế đi lại, tham gia vào sản xuất và ổn định thu nhập.
Một kết quả tích cực nữa là khách quốc tế đến nước ta 6 tháng đầu năm 2022 đạt 602.000 lượt người (gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước) và du lịch nội địa sôi động trở lại.
Đồng thời, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá cũng là động lực cho tăng trưởng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Đáng chú ý, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua.
Bên cạnh đó, điểm sáng của bức tranh kinh tế 6 tháng là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, tạo đà cho phát triển trong các quý tiếp theo. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6%. Nếu tính cả doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường đạt 116.900 doanh nghiệp, tăng 25,4%.
Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tăng cao nhưng lạm phát 6 tháng chỉ tăng 2,24%. Xin bà cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Hương: Bình quân 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thành công của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát 6 tháng đầu năm.
Mặc dù từ đầu năm đến nay có nhiều yếu tố tác động làm tăng CPI như giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 6 tháng tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm. Giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở,… cũng tăng tác động đến CPI.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói đến một số yếu tố đã giúp kiềm chế lạm phát những tháng đầu năm. Cụ thể: Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% vì một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.
Đặc biệt, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội. Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022.
Có thể nói, đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tuy chúng ta đã đạt kết quả rất đáng khích lệ những chặng đường từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức. Bà dự báo thế nào về tăng trưởng từ nay đến cuối năm? Và cần tập trung vào những yếu tố nào để tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ?
Bà Nguyễn Thị Hương: Theo tôi, trước tiên phải nhất quán phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19", tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường và việc xuất hiện các biến chủng mới. Nước ta cần sẵn sàng các kịch bản đối phó với các biến thể mới của dịch dự kiến sẽ có thể xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, qua đó hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước.
Thứ ba, áp lực lạm phát là mối nguy cơ hàng đầu cho hoạt động kinh tế 6 tháng cuối năm. Lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu, hàng hóa thế giới tăng, giá dầu thô tiếp tục dự báo tăng mạnh…, tâm lý lo ngại "lạm phát nhập khẩu" nhất là khi Việt Nam có độ mở kinh tế cao. Do đó, kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu là ưu tiên hàng đầu.
Thứ tư, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022 và đầu năm 2023.
Thứ năm, nhanh chóng có các biện pháp đối phó với các quy định của châu Âu mới áp đặt kiểm soát một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; đề xuất các chính sách, giải pháp ứng phó với việc Trung Quốc sẽ thực thi các chính sách thương mại biên giới gây khó dễ cho Việt Nam; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu nhằm đa dạng hóa các đối tác thương mại, khai thác tối đa nội lực nhằm chủ động nguồn cung nguyên vật liệu.
Thứ sáu, duy trì các động lực kinh tế của 6 tháng đầu năm, phát huy cho 6 tháng cuối năm.
Thứ bảy, các cấp, các ngành cần chủ động bám sát tình hình thế giới và trong nước, làm tốt công tác dự báo, xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Theo tôi, tập trung triển khai tốt những vấn đề trên, kinh tế nước ta sẽ tiếp đà phát triển quý II, cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội sẽ có tác động vào kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Khi đó, kinh tế quý III/2022 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do quý III năm trước âm hơn 6%) và quý IV không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6-6,5%.
Minh Ngọc (thực hiện)
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/tiep-da-quy-ii-du-bao-tang-truong-ca-nam-2022-co-the-dat-hoac-vuot-muc-tieu-a45217.html