Giá vàng hôm nay 14/7, Vàng SJC 'lệch pha' với thế giới, sức hấp dẫn bị 'đánh cắp', thị trường vàng tiếp tục đi ngang

Giá vàng hôm nay 14/7 bật tăng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố dữ liệu lạm phát tăng nóng. Chỉ số CPI tháng 6/2022 của Mỹ tăng 9,1% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981.

Giá vàng hôm nay 14/7: as
Giá vàng hôm nay 14/7: Giá vàng SJC 'lệch pha' thế giới, sức hấp dẫn của vàng bị 'đánh cắp', thị trường tiếp tục đi ngang. (Nguồn: Kitco)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/7

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 19h30, giá vàng thế giới tại sàn điện tử Kitco giao dịch ở mức 1.729,6 - 1.730,6 USD/ounce.

Tại thị trường châu Á, chiều 13/7, giá vàng xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi số liệu về tỷ lệ lạm phát tại Mỹ.

Vào lúc 14h54 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.725,84 USD/ounce, sau khi có lúc giảm xuống 1.721,98 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2021.

Tại thị trường Việt Nam, chiều 13/7, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết ở mức 67,60 - 68,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên chiều 13/7:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,60 – 68,22 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 67,55 – 68,15 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,55 – 68,15 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,60 – 68,20 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,56 – 68,14 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,21 – 52,91 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 51,75 – 52,75 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng có thể tiếp tục xu hướng đi ngang

Lạm phát Mỹ đã lập đỉnh mới, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 9,1% trong tháng 6/2022, so với năm ngoái.

Giá tổng thể mà người tiêu dùng Mỹ phải trả cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ đã tăng 1,3% từ tháng 5 đến tháng 6.

Phần lớn mức tăng trong tháng 6 là do giá xăng tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Người Mỹ đã phải đối mặt với giá xăng cao kỷ lục vào tháng trước, với mức trung bình trên toàn quốc là 5 USD/gallon trên cả nước.

Giá điện và khí đốt tự nhiên cũng tăng lần lượt 13,7% và 38,4%. Nhìn chung, giá năng lượng tăng 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu về CPI có thể củng cố đồn đoán của các nhà đầu tư về khả năng Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Theo các chuyên gia, mặc dù vàng được coi là công cụ hữu hiệu để chống lạm phát, song mức lãi suất cao hơn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với giới đầu tư.

Bên cạnh đó, việc đồng USD ở gần mức cao nhất trong 20 năm so với đồng Euro khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Sự kết hợp giữa việc châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột Nga-Ukraine và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) chậm tăng lãi suất đã khiến Euro tiến gần đến mức ngang giá với “đồng bạc xanh”. Tính đến ngày 12/7, đồng Euro dao động quanh mức 1,004 USD, giảm 12% so với hồi đầu năm.

Ngược lại, USD đã tăng 12% kể từ đầu năm nay, gần một nửa mức tăng đó là vào tháng trước. Những động thái lớn như vậy là khá hiếm, nhưng khi chúng xảy ra, giá hàng hóa thường bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân là do hầu hết hàng hóa được định giá bằng USD. Khi "đồng bạc xanh" tăng giá, các đồng tiền của thị trường mới nổi giảm khiến các quốc gia này giảm sức mua, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu và giá cả hàng hóa.

Michael Langford, một nhà quản lý tại công ty cố vấn AirGuide, có trụ sở tại Mỹ nhận định, thị trường vàng có thể sẽ tiếp tục có xu hướng đi ngang hoặc giảm thấp hơn khi đồng USD mạnh lên.

Còn ông Lukman Otunuga, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FXTM cho rằng: “Vàng đang chật vật để chữa trị vết thương sâu do đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng. Nhìn vào bức tranh kỹ thuật, các mức quan trọng tiếp theo có thể xem xét lần lượt là 1.721,50 và 1.700 USD/ounce".

Vàng Việt Nam không liên thông với thế giới

Giá vàng SJC đang đắt nhất thế giới, theo các chuyên gia. Khoảng cách này vẫn có thể tiếp tục được nới rộng khi biên độ tăng - giảm trong nước luôn lệch pha với thế giới.

Chốt phiên giao dịch sáng 13/7, giá vàng thế giới thấp hơn 18,86 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, thị trường vàng Việt Nam đang không liên thông với thế giới. Vì 10 năm nay nước ta không nhập khẩu vàng, đồng nghĩa với việc nguồn cung khan hiếm.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng đối tác mới (NPJ) cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập vàng nguyên liệu nên mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường khiến người dân trong nước phải mua vàng với giá rất cao.

Điều này dẫn đến nhiều rủi ro như tỷ suất lợi nhuận thấp hơn vì số tiền bỏ ra quá lớn. Ngoài ra, nếu Nhà nước có chính sách mới về quản lý vàng kéo biên độ chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới hẹp lại hay nếu giá thế giới giảm, lực bán tháo xuất hiện, người mua vàng ở giá cao sẽ gánh chịu rủi ro lỗ lớn.

Trong khi đó, với các loại vàng nhẫn, dù người dân cũng có nhu cầu nhưng do nguồn cung dồi dào hơn nên giá trong nước không tăng quá cao so với giá thế giới. Vì vậy, giá vàng nhẫn trong nước bám khá sát với giá thế giới.

Ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng phân tích công ty sàn hàng hóa HTS nhận định, nhà đầu tư vàng vật chất phải bỏ vốn lớn hơn rất nhiều trong khi tỷ suất sinh lời không cao.

Ví dụ như mua 10 lượng vàng phải bỏ ra số tiền trên 680 triệu đồng, lỗ ngay 1% do chênh lệch giá mua và bán 700.000 đồng/lượng, rồi đợi giá lên. Nhưng giá vàng thế giới lên, chưa chắc vàng trong nước đã lên vì giá vàng lên hay xuống phụ thuộc vào các đơn vị kinh doanh vàng.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho hay, nguồn vàng SJC trong thời gian qua chủ yếu mua đi bán lại. Đặc biệt, khoảng 2 tuần nay, khi giá vàng SJC xuống thấp và nhu cầu đối với loại vàng này cao hơn, tình trạng khan hiếm càng tăng lên. Diễn biến trên thị trường vàng trong nước khiến giá vàng thế giới dù giảm sốc nhưng giá vàng SJC không giảm tương xứng.

Chuyên gia Trần Duy Phương nhấn mạnh: "Nhu cầu vàng SJC ở thị trường đang cao nên chênh lệch càng khó thu hẹp nếu không có giải pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý là cho nhập khẩu vàng nguyên liệu về để tăng nguồn cung cho thị trường". 

LINH CHI

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/gia-vang-hom-nay-147-vang-sjc-lech-pha-voi-the-gioi-suc-hap-dan-bi-danh-cap-thi-truong-vang-tiep-tuc-di-ngang-a47248.html