Giá vàng hôm nay 21/7: Vàng SJC 'đi tàu lượn siêu tốc', biến động chưa từng có, điều gì sắp xảy ra với vàng Nga?

Giá vàng hôm nay 21/7 ghi nhận áp lực bán trên thị trường suy giảm do đồng USD yếu đi. Giá vàng SJC biến động mạnh chưa từng có, khiến lượng giao dịch ghi nhận tại SJC tăng 10-15% hơn so với thường ngày.

Giá vàng hôm nay 12/7. (Nguồn: Kitco News)
Giá vàng hôm nay 21/7: Giá vàng SJC 'đi tàu lượn siêu tốc', biến động chưa từng có, lý do áp lực bán trên thị trường thế giới giảm. (Nguồn: Kitco News)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 21/7

Sự suy yếu của USD đã không thể giúp vàng tăng giá nhưng cũng làm giảm áp lực bán vàng trên thị trường. Các nhà đầu tư tìm kiếm đến trái phiếu làm tài sản trú ẩn ưa thích vào thời điểm này khi lợi suất cao hơn.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 20h, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.709,1 - 1.710,1 USD/ounce, giảm 3,7 USD so với phiên giao dịch liền trước

Trong nước, ghi nhận lúc 16h ngày 20/7, giá vàng SJC lội ngược dòng tăng mạnh. So với mức giá giảm sốc vào sáng hôm qua, các thương hiệu vàng trong nước đồng loạt điều chỉnh giá vàng miếng tăng 3,3-4,5 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 64,5-66,32 triệu đồng/lượng, tăng 4,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 3,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với sáng hôm qua.

Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 64-65,8 triệu đồng/lượng, tăng 4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 3.300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với sáng qua.

Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 64,1-66,1 triệu đồng/lượng, tăng 4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 4,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với sáng qua.

Vàng SJC biến động mạnh chưa từng có, khiến lượng giao dịch ghi nhận tại SJC tăng 10-15% hơn so với thường ngày.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên chiều 20/7:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 63,00 – 65,32 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 62,50 – 64,50 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 63,00 – 64,90 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 63,00 – 65,30 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 63,20 – 65,30 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,18 – 52,88 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 51,75 – 52,75 triệu đồng/lượng.

Vàng không thể giữ được trạng thái là nơi trú ẩn an toàn

David Meger, giám đốc kinh doanh kim loại tại công ty dịch vụ môi giới và giao dịch hàng hóa kỳ hạn High Ridge Futures (Mỹ) cho biết, đồng USD giảm đang làm dịu một số sức ép trên thị trường vàng và hàng hóa khác.

Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát, vàng, một loại tài sản không sinh lời, sẽ gặp khó khăn khi các nhà đầu tư lựa chọn các loại tài sản khác và đây là nguyên nhân gây áp lực lên thị trường vàng gần đây.

Trong những tuần gần đây, vàng đã không thể giữ được trạng thái là nơi trú ẩn an toàn bất chấp những lo ngại về suy thoái. Giá vàng đã giảm hơn 350 USD/ounce từ mức 2.000 USD/ounce đạt được hồi tháng 3/2022 do kế hoạch tăng lãi suất tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đà tăng gần đây của đồng USD.

Fed dự kiến nhóm họp vào ngày 26-27/7 và có khả năng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.

Giới đầu tư ban đầu lo ngại về kịch bản Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất thêm 100 điểm phần trăm trong cuộc họp 27.7 tới, qua đó kéo USD tăng mạnh và ảnh hưởng tiêu cực tới vàng.

Tuy nhiên, thị trường sau đó ổn định trở lại và dồn sự chú ý vào cái đích lãi suất 3,8-4% của Mỹ. Nếu Fed tăng mạnh thì cũng sẽ sớm dừng lại và sớm trở lại với quá trình nới lỏng nếu kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ thảo luận xem liệu có nên tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản hay 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 21/7 để kiềm chế lạm phát cao kỷ lục hay không.

Trong một lưu ý, ngân hàng đầu tư và cấp dịch vụ tài chính của Canada TD Securities cho hay, bạc đang được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tiếp tục quan tâm đến kim loại trắng.

Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy, các ngân hàng lớn của Trung Quốc sẽ hạn chế nhà đầu tư mua vào vàng và bạc trong tháng 8/2022 đang làm lu mờ triển vọng cho tín hiệu này.

Dù vàng được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro lạm phát, nhưng lãi suất và lợi suất trái phiếu tăng lại làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lãi này.

Chuyên gia phân tích kỹ thuật của hãng tin Reuters Wang Tao dự đoán, giá vàng giao ngay có thể thử lại mức kháng cự 1.721 USD/ounce và nếu vượt qua mức này, giá vàng có thể tiến lên vùng giá 1.728-1.739 USD/ounce.

Vàng Nga sắp bị cấm xuất khẩu

Mỹ, một số thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang thảo luận chi tiết về lệnh cấm xuất khẩu vàng Nga. Dự kiến ​​lệnh cấm này sẽ được chính thức thông qua ngay trong tuần này.

Đề xuất lần đầu tiên được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng trước.

Nga là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới. Năm ngoái, Nga đã khai thác 314 tấn vàng, trị giá khoảng 20 tỷ USD.

Trong khoảng một thập niên qua, phần lớn vàng của Nga được bán cho Anh, trung tâm giao dịch vàng miếng lớn nhất thế giới.

Theo Comtrade, cơ sở dữ liệu thống kê thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, Anh đã nhập khẩu vàng trị giá 15,2 tỷ USD vào năm ngoái.

Nhưng trong những năm gần đây, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan là các quốc gia tăng mua vàng Nga.

Fawad Razaqzada, một nhà phân tích thị trường của công ty dịch vụ tài chính City Index, cho biết: “Lệnh cấm xuất khẩu vàng không quá quan trọng đối với nền kinh tế Nga. Tác động đối với nền kinh tế Nga sẽ không đáng kể, vì họ vẫn có khả năng bán vàng cho các khách hàng hiện tại ở một số nước châu Á". 

LINH CHI

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/gia-vang-hom-nay-217-vang-sjc-di-tau-luon-sieu-toc-bien-dong-chua-tung-co-dieu-gi-sap-xay-ra-voi-vang-nga-a48623.html