Bỗng dưng thành “con nợ”
Vài ngày nay, thầy Nguyễn Trọng Giáp – Hiệu trưởng THPT Yên Thành 2 (huyện Yên Thành), liên tục phải đính chính với bạn bè, đồng nghiệp và người thân về việc không có chuyện ông đang nợ nần. Mỗi lần có số điện thoại lạ gọi đến, thầy Giáp lại chần chừ không dám nghe, vì sợ gặp phải những kẻ đòi nợ “khủng bố” tinh thần. “Rất phiền phức. Tôi làm hiệu trưởng, điện thoại gọi đến không nghe thì không được, dù là số lạ. Vì biết đâu phụ huynh họ có việc gì phản ánh”, thầy Giáp nói.
Theo thầy Giáp, thầy và nhiều giáo viên trong trường bị quấy rầy, vu khống và đe dọa từ khoảng một tuần trở lại đây. Nguyên nhân là do một nam giáo viên trong trường tên Lê Xuân L. vay nợ đã đến kỳ thanh toán nhưng vẫn chưa trả được. Thầy L. vay tín chấp của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (hay còn gọi là FE Credit, một công ty con của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng).
“Đầu tiên họ gọi cho tôi, nói là thầy L. đang nợ họ một khoản tiền, yêu cầu hiệu trưởng chỉ đạo thầy L. trả ngay. Sau khi tôi nói việc nợ nần ở bên ngoài của giáo viên không liên quan nhà trường, cứ theo quy định pháp luật mà xử lý, thì họ liên tục gọi điện quấy rầy, đe dọa. Họ gọi mỗi ngày mấy cuộc, bất kể giờ giấc, với nhiều số điện thoại khác nhau. Có lần thì xưng là nhân viên FE Credit, nhưng cũng có lần chẳng xưng gì, cứ thấy tôi nghe máy là quát nạt, đe dọa, dùng những từ ngữ tục tĩu. Có lẽ, mục đích của họ là để tôi gây áp lực cho thầy L. trả nợ cho họ”, thầy Giáp kể.
Sau khi đe dọa thầy Giáp không được, nhóm này chuyển qua tấn công vào số điện thoại nhiều giáo viên khác trong Trường THPT Yên Thành 2. Thậm chí, những kẻ đòi nợ còn điện thoại cho hàng loạt học trò cũ của thầy Giáp, qua đó vu khống thầy hiệu trưởng đang nợ tiền của họ nhưng không chịu trả.
“Cho đến giờ, tôi đã nhận được 5 cuộc gọi của 5 học trò cũ hỏi thăm. Họ kể là nhận được điện thoại của những kẻ đòi nợ nói rằng, thầy Giáp nợ tiền không chịu trả. Những học trò này hầu hết đã ra trường từ hơn 20 năm rồi, thi thoảng thầy trò chúng tôi mới liên lạc. Không hiểu sao những kẻ đòi nợ lại biết được mối quan hệ của chúng tôi rồi biết được số điện thoại họ để gọi điện vu khống tôi như thế”, Hiệu trưởng Giáp đặt câu hỏi.
Không chỉ quấy rầy các giáo viên ở Trường THPT Yên Thành 2, những kẻ đòi nợ còn tấn công cả ban giám hiệu và hàng chục giáo viên của Trường THCS Phan Đăng Lưu (thị trấn Yên Thành). Đây là ngôi trường mà vợ của thầy Lê Xuân L. đang công tác.
Cô Ngô Thị Hiền – Hiệu trưởng THCS Phan Đăng Lưu cho biết, cô nhận cuộc điện thoại quấy rầy đầu tiên từ ngày 11/5. Kể từ đó đến nay, hầu như ngày nào cũng nhận 4 đến 5 cuộc điện thoại đòi nợ, dù đang là giờ nghỉ trưa. “Cứ nhấc máy là họ quát nạt, chửi bới. Nói hiệu trưởng mà thế này, thế nọ. Tôi rất sốc”, cô Hiền kể.
Ngoài ra, những kẻ đòi nợ còn gọi điện cho hiệu phó và hàng chục giáo viên trong trường học này. “Họ gọi cho các giáo viên của tôi, lúc thì vu khống tôi vay tiền họ không trả, lúc thì bảo là yêu cầu hiệu trưởng phải chỉ đạo cô Th. (vợ thầy L.), nhanh chóng trả nợ cho họ”, cô Hiền nói thêm.
Không chỉ bị xúc phạm bởi những cuộc điện thoại, cô Hiền và một vị hiệu phó trong trường còn bị tấn công, vu khống trên mạng xã hội Facebook. Theo đó, có 2 tài khoảng Facebook lạ vào tải ảnh chân dung của cô Hiền và cô hiệu phó xuống, rồi dùng những hình ảnh đó bình luận khắp các bài đăng trên mạng của cô và cả bạn bè cô với nội dung “yêu cầu cô Hiền trả nợ gấp…”. Theo thống kê của nhà trường, trường học có 42 giáo viên thì đã có hơn 20 giáo viên bị điện thoại quấy rối vì món nợ này. Riêng tổ môn Văn (tổ của cô Th.), toàn bộ giáo viên đều bị gọi điện làm phiền. Hiện nay, nhà trường đã trình báo vụ việc lên Công an huyện Yên Thành.
Nhiều tai tiếng vì kiểu đòi nợ
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, thầy Lê Xuân L. cho hay, bản thân rất áy náy khi vì chuyện cá nhân mà đã khiến cho nhiều người bị xúc phạm, phiền phức. Thầy L. kể rằng, năm 2018, thầy có vay tín chấp của FE Credit khoản tiền 32 triệu đồng, được phép trả nợ theo từng kỳ. Thầy L. sau đó đã trả được 15 kỳ, với khoảng 22 triệu đồng. Sau đó, do kinh tế khó khăn nên khoản nợ còn lại bị quá hạn.
“Hôm đó nhân viên của FE Credit gọi cho tôi, nhưng đúng lúc tôi đang đứng lớp nên không nghe được. Họ thấy tôi không nghe điện thoại nên nghĩ tôi không chịu trả, rồi bắt đầu quấy rầy những người xung quanh tôi. Đáng nhẽ tôi nợ quá hạn thì cứ theo quy định mà xử lý. Xử phạt thế nào thì xử phạt, chứ đòi nợ kiểu đó không được”, thầy L. nói và cho hay, đến chiều 17/5, thầy đã vào Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh ở Vinh để trả khoản nợ còn lại, lúc này đã lên tới gần 28 triệu đồng. Tính tổng cộng, khoảng nợ 32 triệu sau gần 4 năm đã lên tới 50 triệu đồng. Ngay sau khi thầy L. hoàn tất khoản nợ, các giáo viên, ban giám hiệu các trường học mới thôi không bị điện thoại quấy rầy.
Trao đổi về vụ việc này, ông Võ Chí Quyết – Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Nghệ An cho biết, FE Credit là công ty con của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng. “Tuy nhiên, công ty này do tập đoàn ngoài kia quản lý, chúng tôi là chi nhánh, không phụ trách nên không nắm được”, ông Quyết nói. Trong khi đó, ông Cao Văn Hợi – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho biết, đơn vị cũng chưa nhận được phản ánh về việc FE Credit đòi nợ theo kiểu xã hội đen như thế này. “Nếu nhận được phản ánh có cơ sở, chúng tôi sẽ có văn bản gửi ra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý, thậm chí có thể thu hồi giấy phép của FE Credit”, ông Hợi nói.
FE Credit được thành lập năm 2010, là Khối Dịch vụ Tín dụng tiêu dùng của Khối Tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Đến tháng 10/2021, VPBank và Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con thuộc Tập đoàn tài chính SMBC Group Nhật Bản đã hoàn tất việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit. Sau 6 tháng kể từ ngày hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng vốn và hoàn tất mọi thủ tục, SMBCCF trở thành cổ đông lớn tại FE Credit, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Tuy nhiên, thương hiệu FE Credit vẫn được giữ nguyên. VPBank tiếp tục nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.
Trong quá khứ, FE Credit cũng đã dính nhiều tai tiếng. Cụ thể, năm 2018, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phản ánh có tới hơn trăm khách hàng khiếu nại về việc họ không vay tiền vẫn bị FE Credit gọi điện truy nã đòi nợ hay vụ việc DeAura, một đối tác dịch vụ làm đẹp của FE Credit bị “tố” ép khách hàng mua sản phẩm. Phía FE Credit sau đó đã thừa nhận “một vài nhân viên thu hồi nợ qua điện thoại đã có thái độ không phù hợp”, vi phạm quy định của công ty về nguyên tắc ứng xử với khách hàng, gây ra những phiền hà không đáng có. Công ty này cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Tiếp đó, ngày 21/6/2020, một người đàn ông trú ở TP HCM nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử. Theo phản ánh của người nhà, năm 2018, ông này có vay của FE Credit một khoản tiền nhưng gia đình không hề biết. Đến ngày 19/6/2020, một nhóm đòi nợ đến tận nhà đe dọa, chửi bới, hành hung và áp tải vợ chồng ông này về trụ sở công ty đòi nợ, tiếp tục uy hiếp trong nhiều giờ nhưng chính quyền địa phương và lực lượng chức năng không có mặt can thiệp. Những người này đe dọa sẽ giết ông này nếu ông không trả tiền trước ngày 22/6. Sau đó, ông đã tự tử vào ngày 21/6.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, GS-TS Thái Văn Thành -Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, bản thân ông cũng bị điện thoại làm phiền do thầy giáo ở Trường THPT Yên Thành 2 nợ tiền. “Đây không phải trường hợp duy nhất, tôi bị rất nhiều lần rồi. Họ hết điện thoại, nhá máy rồi nhắn tin, gửi email…, rất phiền phức. Tôi cũng đã trình báo lên cơ quan công an”, ông Thành nói đồng thời khuyến cáo đến toàn thể giáo viên trên địa bàn tỉnh cần lựa chọn những tổ chức tài chính, những ngân hàng có uy tín để vay tiền khi có nhu cầu. Tránh việc vay nợ ở ngoài làm ảnh hưởng danh dự của tập thể, cá nhân khác.
Theo Tiến Hùng/Báo Nghệ an
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nhieu-hieu-truong-o-nghe-an-bi-doi-no-kieu-xa-hoi-den-du-khong-vay-tien-a51022.html