Nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển
Tại Hội thảo "Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức ngày 4/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Đây là hội thảo đầu tiên chuyên sâu về một loại cây, đó là cây tre.
Giá trị cây tre gắn liền với nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Cây tre góp phần vào ứng phó với biến đổi khí hậu, cây tre góp phần giữ đất, giữ làng. Giá trị của cây tre còn gắn với phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện có 216 loài tre, diện tích 1,5 triệu ha, trữ lượng ước tính 6,5 tỷ cây, hàng năm khai thác 500 - 600 triệu cây, tương đương khoảng 2,5 - 3 triệu tấn, đem lại doanh thu xuất khẩu khoảng trên 300 triệu USD.
Thứ trưởng Trần Thành Nam phát biểu tại hội thảo.
Đề cập đến giá trị xuất khẩu tre, ông Phạm Quốc Khánh - Ban vận động thành lập Hiệp hội tre Việt Nam chia sẻ, con số 348 triệu USD giá trị xuất khẩu tre Việt Nam trong năm 2019 là không tương xứng với tiềm năng tre nước ta, trong khi giá trị ngành công nghiệp tre thế giới ghi nhận hơn 57 tỷ USD vào năm 2020.
Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tre công nghiệp có giá trị cao. 65% nguyên liệu tre không qua chế biến và sử dụng cho mục đích có giá trị kinh tế thấp. Đặc biệt thiếu sự phối hợp giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, là nguyên nhân chưa phát huy hết giá trị của cây tre.
Cùng đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) thông tin: Dù cây tre có nhiều giá trị nhưng trên thực tế lại thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi cả về chiều dọc và chiều ngang. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tre còn yếu và thiếu thông tin thị trường.
Phân tích thêm về những khó khăn để phát triển bền vững cây tre, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến cho rằng, hiện nay có rất ít nguồn giống tốt và đang có dấu hiệu suy thoái giống.
Diện tích đang bị thu hẹp, trình độ canh tác thấp, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Hạ tầng phục vụ sản xuất (đường, điện…) chưa được đầu tư, công nghệ chế biến lạc hậu so với thế giới. Thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển và sản xuất kinh doanh.
Sản phẩm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa chủ yếu là sản phẩm thô, tươi. Sản phẩm còn chưa đa dạng, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng.
Ở góc độ DN, ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đại Phong nhấn mạnh, việc liên kết giữa DN và nông dân đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Người dân chủ yếu là người dân tộc và là những người yếu thế, nên khó khăn trong việc giữ cam kết giữa DN và người sản xuất, nhất là kế hoạch sản xuất, số lượng sản phẩm, thời gian hoàn thành, chất lượng sản phẩm.
Rất khó để ràng buộc trách nhiệm với người dân, và thông thường DN đều phải chịu mọi rủi ro. Trong quản lý tổ nhóm, thiếu được đào tạo về cơ bản cũng như chuyên sâu.
Cần sự liên kết thực chất
Từ thực trạng trên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phong kiến nghị cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN, bởi rất ít DN tham gia vào chuỗi sản xuất này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Điều phối viên Dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu/tre ở Việt Nam (SCBV) cho rằng, cần phát triển ngành tre với nhiều bên liên quan với chính sách chia sẻ, bình đẳng.
Huấn luyện nông dân cách thức và thời điểm thu hoạch, phân loại nguyên liệu theo chất lượng và mức độ phù hợp để chế biến thành phẩm.
Thiếu sự liên kết giữa các bên khiến giá trị cây tre chưa được phát huy hết.
Xây dựng kế hoạch tiếp thị ngành vững chắc cho cả thị trường trong và ngoài nước. Hợp tác với các tổ chức và công ty Châu Âu để thực hiện các dự án phát triển ngành tre Việt Nam.
Đồng thời, luôn sáng tạo để tận dụng hết các giá trị của cây tre, sáng tạo các sản phẩm mới độc đáo, có câu chuyện trong sản phẩm.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, để phát huy hết giá trị của cây tre và người trồng tre được hưởng lợi từ giá trị của cây tre, cần có sự liên kết thực chất giữa người trồng tre, nhà khoa học, nhà quản lý và DN. Chỉ khi có sự liên kết thực chất cùng với trách nhiệm rõ ràng của mỗi bên thì cây tre mới phát huy được hết các giá trị.
VCCI đã và đang đồng hành cùng DN Việt Nam để phát triển thị trường tre hiệu quả, tìm kiếm thị trường tiềm năng từ việc tận dụng thế mạnh của cây tre, để cây tre có chỗ đứng trên thị trường.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, trong bối cảnh ngành tre hiện đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, biến đổi khí hậu và thách thức ngay cả về nhận thức đối với giá trị của cây tre, DN cùng chính quyền địa phương và Bộ NN&PTNT phải xây dựng những vùng nguyên liệu lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến, xuất khẩu.
Bên cạnh xây dựng lại vùng nguyên liệu tre tập trung, hiện Bộ NN&PTNT đang đề xuất lên Bộ Nội vụ thành lập Hiệp hội Tre luồng Việt Nam. Đây sẽ là một trong những tiền đề và cơ sở đầu tiên gắn kết ngành tre Việt trong giai đoạn mới.