Giá vàng hôm nay 9/8, Giá vàng bất ngờ đảo chiều tăng, vàng SJC còn thăm dò, nhà buôn Thụy Sỹ băn khoăn về lệnh cấm nhập vàng Nga . (Nguồn: Hindustan Times) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 9/8
Mở cửa phiên giao dịch 8/8, tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,3 - 67,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi ở chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước.
Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 64,25 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm trước.
Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,3 - 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên trước.
Trong khi đó, trên thị trường châu Á, giá vàng gần như không đổi trong phiên giao dịch chiều 8/8 giữa bối cảnh số liệu việc làm tốt của Mỹ cuối tuần qua thúc đẩy triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ.
Cụ thể, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.774,80 USD/ounce vào lúc 14h4 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,1% xuống 1.790,40 USD/ounce.
Đồng USD giảm, khiến vàng rẻ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền tệ khác. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cao hơn đã hạn chế đà tăng của vàng.
Theo ghi nhận của TG&VN, đến 20h75’ ngày 8/8, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.784,1 - 1.785,1 USD/ounce, tăng 7,7 USD/ounce so với phiên trước đó.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên chiều 8/8:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,3 – 67,3 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,25 – 67,25 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,3 – 67,25 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,3 – 67,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,31 – 67,23 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,48 – 53,28 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,05 – 53,15 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với đầu giờ sáng 8/8, giá vàng SJC của Phú Quý chốt phiên chiều cùng ngày không đổi ở chiều mua vào và giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá vàng tăng khi USD và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm
Giá vàng thế giới tăng cao hơn vào phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần khi đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc giảm, thị trường tập trung sự chú ý vào số liệu lạm phát của nước Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này. Các nhà đầu tư dự đoán lạm phát Mỹ trong tháng 7 có thể tiếp tục tăng và sẽ ảnh hưởng đến đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.782,36 USD/ounce vào lúc 12h52 GMT, sau khi giảm 1% trong phiên trước. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng cao hơn 0,4% lên 1.798,40 USD/ounce.
Han Tan, nhà phân tích thị trường trưởng tại Exinity cho biết: “Đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc đang giảm nhẹ vào đầu tuần, sau cú nhảy vọt vào thứ Sáu tuần trước trong bối cảnh bảng lương phi nông nghiệp giảm sút”.
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích đối ngoại của Kinesis Money, cho biết: “Có thể họ vẫn đang nghĩ rằng đỉnh điểm của lạm phát không còn quá xa và áp lực lên Fed sớm hay muộn cũng có thể chậm lại”.
Các nhà giao dịch hiện nhận thấy xác suất khoảng 70% Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong quyết định chính sách tiếp theo vào ngày 21/9 tới để kiềm chế lạm phát tăng vọt sau khi tăng trưởng việc làm của Mỹ bất ngờ tăng nhanh vào tháng 7.
Trọng tâm thị trường hiện chuyển sang báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế số 1 thế giới dự kiến được công bố vào thứ Tư tuần này. Theo thăm dò ý kiến của Reuters, các nhà phân tích kỳ vọng lạm phát hằng năm giảm xuống 8,7% trong tháng 7/2022 từ mức 9,1% trong tháng 6.
Lãi suất cao hơn của Mỹ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lợi.
“Ngoài ra, chỉ số CPI nóng hơn dự kiến cũng sẽ buộc những người đầu cơ giá phải tính đến việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất siêu tốc hơn trong những tháng tới, và một câu chuyện như vậy sẽ làm giảm đà tăng của vàng”, chuyên gia Tan nói thêm .
Trong một diễn biến liên quan tới thị trường vàng thế giới, cuối tuần trước, Hội đồng vận động hành lang trong lĩnh vực vàng của Thụy Sỹ đã kêu gọi làm rõ về cách thức thực hiện lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga của chính phủ.
Tuần trước, chính phủ Thụy Sỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) về cấm mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển vàng và các sản phẩm vàng từ Nga, nhằm trả đũa việc Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh kim loại quý của Thụy Sỹ (ASFCMP) hoan nghênh động thái này, đồng thời cho rằng, quyết định trên sẽ chỉ có tác động nhẹ đến hoạt động và kinh doanh của các nhà sản xuất vàng nước này.
Được biết, 13 thành viên của hiệp hội – sản xuất 90% lượng vàng tinh chế ở Thụy Sỹ, đã tuân thủ các quy định trên.
Tuy nhiên, nhóm này cũng cho biết sẽ khó khăn hơn khi đảm bảo rằng vàng có nguồn gốc từ Nga và đã được xuất khẩu sang EU hoặc một nước thứ ba sau ngày 22/7/2022 không được nhập khẩu dưới bất kỳ hình thức nào vào Thụy Sỹ.
Hiệp hội cho biết: “Về vấn đề này, ASFCMP hoan nghênh bất kỳ biện pháp nào nhằm đảm bảo thực hiện rõ ràng và chính xác quyết định của chính phủ”.
Theo dữ liệu từ hải quan, Thụy Sỹ đã nhập khẩu 284 kg vàng trị giá khoảng 16 triệu USD từ Nga trong tháng 6, giảm so với hơn 3 tấn, trị giá khoảng 200 triệu USD trong tháng 5.
HẢI AN