Giá vàng hôm nay 11/8: Giá vàng 'bay cao' nhờ lạm phát Mỹ, giới đầu tư lũ lượt chốt lời, lý do người Nga đổ xô mua vàng. (Nguồn: Barrons) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 11/8
Ghi nhận của TG&VN, lúc 20h ngày 10/8, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.800,3 USD/ounce, tăng 3 USD.
Vàng tăng giá sau khi lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt nhẹ vào tháng 7, giảm tốc xuống 8,5% so với một năm trước đó.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ là 8,5%, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 8,7%. Dữ liệu gần đây nhất theo sau mức tăng hàng năm 9,1% của tháng 6. Bất chấp việc giảm nhẹ vào tháng trước, áp lực giá vẫn đang giữ ở mức gần mức cao nhất hàng năm trong 4 thập kỷ.
Chiều 10/8, giá vàng tại thị trường châu Á giảm từ mức cao nhất trong hơn một tháng trước đà tăng của lợi suất trái phiếu. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.789,29 USD/ounce, sau khi vọt lên 1.800,29 USD/ounce trong phiên 9/8, mức cao nhất kể từ ngày 5/7.
Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 10/8, giá vàng SJC tiếp tục giảm trong khoảng 50.000 - 200.000 đồng/lượng.
Trong đó, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và Tập đoàn Phú Quý, giá vàng SJC điều chỉnh cùng giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng trong nước cuối phiên cũng giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm ít hơn 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên chiều ngày 9/8:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,00 – 67,02 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,00 – 67,00 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,00 – 67,00 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,00 – 67,00 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,02 – 66,98 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,51 – 53,26 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,00 – 53,10 triệu đồng/lượng.
Lạm phát Mỹ - tâm điểm thị trường
Trước giờ Mỹ công bố số liệu lạm phát, giá vàng giảm nhẹ do giới đầu tư tận dụng những đợt tăng gần đây để chốt lời.
Theo ông Ole Hansen, chuyên gia phân tích của Saxo Bank, thị trường xuất hiện một số hành động chốt lời trước khi dữ liệu CPI tháng 7 được công bố. Nếu báo cáo xác nhận rằng, lạm phát dự kiến sẽ hạ nhiệt, khả năng lãi suất Mỹ leo đỉnh sẽ giảm và theo đó hỗ trợ vàng.
Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, lãi suất cao hơn sẽ làm suy yếu sức hấp dẫn của kim loại quý.
Ông Ilya Spivak, chiến lược gia tiền tệ tại DailyFX nhận định: "Rõ ràng tâm điểm thị trường đang là dữ liệu lạm phát của Mỹ. Nếu báo cáo lạm phát cho kết quả mạnh hơn dự kiến, theo sau dữ liệu thị trường việc làm mạnh mẽ vào tuần trước, chúng ta có thể thấy triển vọng về việc hạ lãi suất trong năm tới có thể giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới vàng".
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 225 điểm cơ bản kể từ tháng 3 để cố kiểm soát lạm phát đang leo thang.
Cuối tuần trước, Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố số việc làm trong tháng 7 của Mỹ tăng thêm 528.000 việc làm, tương ứng tăng 33% so với tháng trước.
Thông tin tích cực này củng cố quan điểm rằng, nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái, đồng thời cho thấy, Fed sẽ giữ nguyên chiến lược tăng lãi suất từ nay cho đến cuối năm.
Theo công cụ FedWatch của CME, 69,5% bình chọn cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 9 tới và 0,5% vào kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Hiện tại, lãi suất tham chiếu tại Mỹ nằm trong khoảng 2,25% - 2,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Dân Nga đổ xô mua vàng
Thời gian gần đây, nhu cầu của người dân đối với kim loại quý, đặc biệt là vàng miếng, đã tăng mạnh ở Nga.
Theo kết quả khảo sát của báo Kommersant về nhu cầu của người dân Nga đối với vàng miếng kể từ khi chính phủ bãi bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với việc bán kim loại quý, trong 5 tháng, khách hàng của Sberbank đã mua tổng cộng 10,9 tấn vàng miếng.
Giữa tháng 4, Ngân hàng ngoại thương Nga (VTB) thông báo đã bán 2 tấn vàng miếng cho khách hàng, nhưng ngân hàng này từ chối tiết lộ thêm số liệu gần đây.
Ngân hàng PSB cho biết, đã bán 1 tấn vàng miếng cho các khách hàng tư nhân trong 4 tháng gần đây, trong khi các ngân hàng lớn khác (RSHB, MKB, Sovcombank) cũng ghi nhận nhu cầu vàng cao, nhưng không công bố các chỉ số thống kê cụ thể.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng, đầu tư vào vàng sẽ là một giải pháp thay thế lý tưởng cho việc mua đồng USD trong bối cảnh tình hình địa chính trị không ổn định.
Nhu cầu mua vàng miếng tại Nga đã tăng ngay sau khi chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế. Ttrước đây, khi mua vàng miếng ở ngân hàng, khách hàng phải trả 20% thuế VAT. Ngoài ra, thuế thu nhập từ bán vàng miếng (với thuế suất 13%) cũng được bãi bỏ kể từ tháng Sáu vừa qua.
Trả lời phỏng vấn báo điện tử Expert.ru, chuyên gia Sergey Uskov, đồng sáng lập công ty tư vấn tài chính Aravana MFO xác nhận, sau khi các nhà chức trách hủy bỏ thuế VAT đối với việc mua bán vàng của người dân, nhu cầu đối với kim loại quý này thực sự tăng lên.
Chuyên gia trích dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Nga (BoR) cho thấy, một khoản tiền mặt tương đương 1.000 tỷ Ruble (16 tỷ USD) đã được rút từ các khoản tiền gửi bằng đồng Ruble tại các ngân hàng trong nước.
Phần lớn dòng tiền này được đầu tư vào vàng. Ngoài ra, nếu nhìn vào cơ cấu nhu cầu đối với kim loại quý, có thể thấy rằng người dân quan tâm đến thỏi vàng tiêu chuẩn 1 kg và thỏi lớn 12,5 kg.
LINH CHI