Lễ hội cồng chiêng huyện Bắc Trà My lần thứ I - năm 2022 tổ chức từ ngày 22 - 24.8 tại trung tâm huyện Bắc Trà My với 6 nhóm hoạt động chính gồm triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội, hội chợ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp huyện Bắc Trà My và triển lãm ảnh “Bắc Trà My - Điểm hẹn vùng Ngọc quế”; liên hoan cồng chiêng “Âm vang đại ngàn”; thi “Trình diễn cồng chiêng - Tiếp nối truyền thống” cho lớp trẻ; thi ẩm thực truyền thống và thi “Hương sắc vùng ngọc quế”; tái hiện một số trò chơi dân gian các dân tộc, tạo không gian giao lưu văn hóa với du khách…
Trong không khí hân hoan cả nước tổ chức Lễ Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (19/8/1945 – 19/8/2022), hôm nay huyện Bắc Trà My long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My – năm 2022 với chủ đề “Âm vang đại ngàn”. Đây là sự kiện hưởng ứng Năm du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022, đồng thời cũng là hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện nhà, hướng đến mục đích tạo ra các sản phẩm đặc trưng nhằm quảng bá và thu hút khách tham quan, tạo tiền đề để phát triển du lịch.
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, Trưởng ban tổ chức lễ hội, đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức và là hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 nên công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Tất cả hoạt động trong chuỗi lễ hội đều chú trọng vào công tác phục hồi, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa là Cor, Cadong, Xê đăng, M’nông…, gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc; truyền thông, quảng bá về mảnh đất, con người Bắc Trà My.
Bắc Trà My là huyện đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, nơi đây được mệnh danh là vùng đất “Cao sơn ngọc quế” với phong cảnh núi non hùng vĩ, hoang sơ, những đồi quế bạt ngàn cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nhà. Trải qua bao thăng trầm, gian khổ trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, đồng bào các dân tộc Trà My vẫn một lòng vững tin, đoàn kết, cùng Đảng bộ, chính quyền gìn giữ, xây dựng vùng đất “Cao sơn ngọc quế” đổi thay từng ngày.
Trên địa bàn huyện Bắc Trà My có 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống như: Kinh, Cor, Xơ đăng, Ca dong, Mơ nông, Mường, Nùng…. Với sự phân bố phần dân tộc như vậy đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với những giá trị văn hóa vừa phong phú, đa dạng vừa đặc sắc, độc đáo, mang đậm dấu ấn Đất và Người Bắc Trà My. Tính đa dạng và độc đáo thể hiện ở những bộ trang phục - trang sức; những kho tàng văn học dân gian, những làn điệu dân ca; những nghi lễ truyền thống như múa cồng chiêng, múa ca đáo, đấu chiêng đôi, lễ cầu mưa, lễ cúng lúa mới, cúng máng nước, cúng rừng… Và trong số đó, Nghi lễ dựng Cây Nêu và Bộ Gu của người Cor đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015.
Nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện còn thể hiện qua môi trường sống coi trọng núi rừng, yêu rừng, không bạc đãi rừng, xem môi trường rừng là lẽ sống, là đạo đức, là văn hóa. Ngoài ra còn được thể hiện qua những món ăn như cơm lam, cơm gạo đỏ, măng rừng, rượu đoác, rượu cần..v..v. Những bản sắc văn hóa truyền thống đó được người dân duy trì, gìn giữ trong từng nếp sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều hủ tục đã dần được loại bỏ và nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, góp phần giảm nghèo, tạo sự phát triển bền vững xã hội tại địa phương.
Hiểu được vai trò, giá trị của văn hóa các dân tộc trong sự phát triển chung của nền văn hóa Việt Nam, trong thời gian qua huyện nhà đã triển khai nhiều hoạt động để khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn, có thể kể đến như: việc xây dựng các Nhà truyền thống; xây dựng Làng văn hóa Cao Sơn; làng du lịch Xa Rơ, làng nghề truyền thống Quế Trà My; truyền dạy, khôi phục nghề đan lát truyền thống; phát triển các đội cồng chiêng tại cộng đồng làng, đội cồng chiêng tại các trường học; sưu tầm âm nhạc truyền thống và truyện cổ dân gian; phục dựng các nghi lễ cầu mưa, nghi lễ dựng cây nêu; tổ chức và tham gia các Lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh, các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh... Những hoạt động trên đã phần nào khơi dậy niềm tự hào và tạo động lực cho người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Tấn Lợi - Công Trình (t/h)
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/quang-nam-huyen-bac-tra-my-soi-noi-le-hoi-cong-chieng-lan-i-a54788.html