Đó là đề xuất mà các chuyên gia đưa ra tại tại tọa đàm "Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức mới đây
Năm 2022 là thời điểm mà các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng 2021.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP và EU như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Trong khi đó, quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi là khâu yếu của dệt may Việt Nam khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ rõ Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi.
"Yêu cầu về quy tắc xuất xứ như vậy khiến cho các doanh nghiệp dệt may buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi. Đây là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững và hình thành nên chuỗi giá trị trong nước", ông Tuấn Anh nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ngành dệt may cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường. Kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị.
Đưa ra các giải pháp về khoa học - công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may... hướng tới phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới.
Nhà nước cần xem xét hỗ trợ mạnh mẽ nhiều mặt để hình thành nền công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, đặc biệt về vốn và chính sách hỗ trợ sản xuất nguyên liệu.
Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp cần theo xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến trên thế giới. Do đó, công nghệ sản xuất của ngành sợi, dệt, nhuộm phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn hàng.
Ngoài ra, cần theo xu thế sử dụng thiết bị dệt may được số hóa, tự động hóa, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may cơ bản (nhà máy thông minh, in 3D, dệt 3D)… để kết nối minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Cần đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp dệt may về quản lý sản xuất, quản lý chuỗi giá trị và khách hàng; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dệt may, chú trọng các kỹ năng mới, cần thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
NT
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/can-hinh-thanh-nen-cong-nghiep-ho-tro-trong-nganh-det-may-a54944.html