Ông Nguyễn Văn Đạt, bên thửa đất ở và căn nhà được cấp Giấy phép xây dựng, không thuộc quy hoạch ban đầu của dự án, nhưng vẫn bị thu hồi sau hai lần điều chỉnh quy hoạch.
Việc UBND huyện Cư Jút triển khai phương án thu hồi 11,655 ha đất của 32 hộ dân trên địa bàn thị trấn Ea Tling, để giao cho Công ty Cổ phần bất động sản HANO-VID (địa chỉ 340 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, T.P Hà Nội), thực hiện đầu tư kinh doanh dự án “Khu dân cư tập trung Tổ dân phố 3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút”, đã không có được sự đồng thuận từ phía người dân bị thu hồi đất. Bởi dự án này còn nhiều khuất tất từ khâu điều chỉnh quy hoạch, đến việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo phản ánh của người dân, cũng như các văn bản chỉ đạo, phê duyệt của UBND tỉnh Đắk Nông, cho thấy trong quá trình triển khai các bước để đi đến việc thu hồi đất giao cho doanh nghiệp đầu tư dự án này, UBND huyện Cư Jút đã 2 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, gây thiệt hại cho người dân.
Cụ thể, theo quy hoạch ban đầu của dự án từ năm 2014, diện tích đất dành cho dự án “Khu dân cư tập trung Tổ dân phố 3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút” thuộc Tổ dân phố 3, và nằm trọn bên trái đường Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Ea Tling. Tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND, ngày 25-8-2014 của UBND huyện Cư Jút về phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu dân cư Tổ dân phố 3, thị trấn Ea Tling cũng thể hiện diện tích đất quy hoạch triển khai dự án này không có phần đất của 17 hộ dân các bon U2 và U3 nằm phía bên phải đường Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Ea Tling.
Để chứng minh cho việc đất của 17 hộ dân bon U2 và U3 không nằm trong quy hoạch dựa án này, các hộ dân đã cung cấp cho phóng viên 8 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các hộ dân được cấp từ sau năm 2014 đến nay. Thậm chí có hộ như Nguyễn Văn Đạt, bon U2 không chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vào ngày 6-12-2017, mà khi gia đình ông xây dựng nhà ở, còn được UBND huyện Cư Jút cấp Giấy phép xây dựng ngày 23-3-2020. Thế nhưng, sau hai lần UBND huyện Cư Jút điều chỉnh cục bộ quy hoạch, trong tổng số 4.417 m2 đất của hộ ông Đạt có 3.551m2 bị thu hồi thực hiện dự án.
Do không nằm trong quy hoạch ban đầu của dự án đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt từ năm 2014, và đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhà ở được cấp phép xây dựng, nên 17 hộ dân các bon U 2 và U 3 không chấp thuận việc thu hồi, đền bù, đồng thời có khiếu nại gửi cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông.
Qua điều tra vụ việc này, còn nhận thấy một số bất hợp lý trong triển khai dự án “Khu dân cư tập trung Tổ dân phố 3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút”. Trước hết, đây không phải là dự án phục vụ mục đích an ninh - quốc phòng, mà là dự án có sử dụng đất vào mục đích kinh doanh, nên phải thực hiện đấu thầu theo quy định tại Nghị định số 30/2015NĐ-CP, ngày 17-3-2015 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 75 của Luật Đấu thầu. Thế nhưng, ở dự án này, UBND huyện Cư Jút đã không thực hiện đấu thầu, mà lại áp dụng chỉ định nhà đầu tư. Việc chỉ định thầu, rất có thể dẫn đến việc gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, tại Quyết định số 156/QĐ-UBND, ngày 13-2-2020 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án “Khu dân cư tập trung Tổ dân phố 3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút”, cho thấy: Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 127 tỷ đồng, với diện tích đất 11,655 ha, nhà đầu tư đề nghị nộp ngân sách nhà nước số tiền 353 triệu 830 nghìn đồng (!).
Ngoài ra, với dự án đầu tư kinh doanh, lẽ ra chủ đầu tư phải trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với dân để thống nhất mức đền bù về đất, công trình xây dựng, cây trồng trên đất bảo đảm hợp lý, ngang bằng với giá thị trường. Nhưng trên thực tế, UBND huyện Cư Jút lại làm thay chủ đầu tư, áp đặt giá đền bù theo mức giá quy định của tỉnh, và không có thêm bất kỳ chính sách hỗ trợ gì, dẫn đến quyền lợi của hộ có đất bị thu hồi bị thiệt hại. Mức đền bù thực tế còn thấp hơn cả dự án thu hồi đất phục vụ mục đích an ninh - quốc phòng, vì ngoài tiền đền bù theo giá của tỉnh, các hộ dân không nhận được sự hỗ trợ gì khác.
Trao đổi với chúng tôi về những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án này, đồng chí Nguyễn Hữu Ánh - Chủ tịch UBND thị trấn Ea Tling khẳng định: “Thực tế có 17 hộ nằm ngoài quy hoạch ban đầu, dẫn đến bà con có khiếu nại khi bị thu hồi đất cho dự án. Bên cạnh đó, về giá đền bù, với đất nông nghiệp, không phải mặt đường thì mức đền bù như đang thực hiện là thỏa đáng. Riêng đất ở, đất mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai thì mức đền bù của dự án chỉ bằng 2/3 so với giá thị trường. Và như vậy 8 hộ dân có đất ở, nhà ở bị thu hồi đang bị thiệt!”.
Cũng trong buổi làm việc với chúng tôi, các hộ dân ở bon U 2 và U 3, như Nông Văn Hội, Nguyễn Quang Thủy, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Xuân Cảnh, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Công Nguyên, Hán Văn Đàm và Nguyên Trung Phương có đất và nhà ở thuộc diện phải thu hồi đều khẳng định bị thiệt hại từ hàng trăm triệu đồng, đến cả tỷ đồng so với giá thị trường. Đó là chưa nói cuộc sống đảo lộn, thậm chí lâm vào cảnh khó khăn khi bị thu hồi đất cho dự án, vì đất bị thu hồi hầu hết đang phục vụ sinh nhai hằng ngày của họ”.
Từ điều tra trên, chúng tôi cho rằng UBND tỉnh Đắk Nông cần đánh giá lại hiệu quả kinh tế - xã hội, những tác động tiêu cực từ dự án này; làm rõ và giải quyết thỏa đáng những khuất tất trong quá trình UBND huyện Cư Jút và nhà đầu tư triển khai dự án, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân có đất bị thu hồi, tránh tình trạng chính quyền vì “ưu ái doanh nghiệp” quá mức, dẫn đến o ép dân để thu hồi đất theo kiểu lấy bằng được, đẩy cuộc sống hằng chục hộ dân lâm vào khốn khó dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài.
Nguyên Bình