Thói quen sử dụng tiền mặt của nhiều người dân khó thay đổi

Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được người dân sử dụng nhiều là do thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng giữa đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân khó thay đổi...

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Kiên Giang vừa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NNVN) Chi nhánh tỉnh này tổ chức hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Với mục đích thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là tiền đề hết sức quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch số trong xã hội, kinh tế của tỉnh và điều này đòi hỏi sự phấn đấu, quyết tâm của các ngành, các cấp trên toàn địa bàn tỉnh.

Kiên Giang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Minh Trung - Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Kiên Giang đang bước vào năm thứ 2 của Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2022 tỉnh đạt 50% trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí, và các giao dịch khác.

Bên cạnh đó, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu 50% người dùng điện thoại thông minh được tiếp cận đến các dịch vụ thông minh và tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử, 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng.

Theo thống kê của Ngân hàng NNVN Chi nhánh tỉnh Kiên Giang, đến 30/6, trên 60% người dân tỉnh này từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được phép khác, bước đầu các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế đã tiếp cận áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí, viện phí và chi phí khác.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 8/869 cơ sở giáo dục đã có phát sinh doanh số thu học phí thông qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhưng doanh số đạt rất thấp chỉ đạt 16 tỷ đồng. Đối với dịch vụ thanh toán viện phí hiện nay có 9/51 cơ sở y tế trên địa bàn có phát sinh thu viện phí bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt với doanh số thu đạt 15 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Phước - Giám đốc Ngân hàng NNVN - Chi nhánh tỉnh Kiên Giang cho biết: Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được người dân sử dụng nhiều là do sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng giữa đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán với đơn vị cung ứng dịch vụ công, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân khó thay đổi, nhất là khu vực nông thôn, người cao tuổi. Bên cạnh đó, tâm lý sợ tốn phí khi thực hiện thanh toán bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về thực trạng và giải pháp cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Nhiều đại biểu kiến nghị, trong thời gian tới các ngân hàng cần xem xét hỗ trợ sinh viên về các khoản phí phát sinh khi sử dụng thẻ ATM khi rút tiền, chuyển khoản, thanh toán trong thời gian còn học tập ở trường.

Với mục tiêu đến hết năm 2022, Kiên Giang phấn đấu đạt 50% tỉnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí tới trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện hoàn thành mục tiêu trên cần phải có sự quyết tâm, nổ lực hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ số, chuyển đổi số.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh, phát triển chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt cần tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh thoán được công khai tiếp cận giới thiệu, phối hợp triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, bố trí đầu mối, nhân lực hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh, người thân bệnh nhân, học sinh, sinh viên, phụ huynh và các đối tượng có liên quan trong thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Qua đó, ngành TT&TT cam kết sẽ nỗ lực phối hợp với các ngành để làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai hạ tầng viễn thông, phổ biến dịch vụ truy cập Internet di động đồng hành cùng các ngành, các đơn vị triển khai tốt Kế hoạch 137 của UBND tỉnh và Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/thoi-quen-su-dung-tien-mat-cua-nhieu-nguoi-dan-kho-thay-doi-a56649.html