Mặt bằng lãi suất vẫn dềnh lên
Phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ cuối tháng 8/2022 tiếp tục ghi nhận sự nhích lên đáng kể của lợi suất trúng thầu. Lợi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm là 2,85%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với tuần trước và cao hơn nhiều mức lợi suất trúng thầu hồi cuối năm 2021 (2,08%/năm). Tương tự, lợi tức trúng thầu kỳ hạn 15 năm trên thị trường sơ cấp cũng tăng mạnh lên 3,15%, từ mức 2,33% cuối năm trước.
Trên thị trường tiền tệ, nhu cầu thanh khoản bật tăng trước kỳ nghỉ lễ dài. Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm những ngày cuối tháng 8 đã được đẩy mạnh lên 4,5%, tăng 1,05 điểm phần trăm so với tuần trước nhằm tạo ra một khoảng cách khá an toàn với lãi suất USD, góp phần giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, trước sự mạnh lên của USD với việc chỉ số DXY lần đầu vượt mốc 110 điểm kể từ tháng 6/2022 vào ngày 7/9, lãi suất liên ngân hàng vẫn đang chịu nhiều áp lực.
Không riêng trên thị trường 2 giữa các ngân hàng, ngay tại thị trường 1 (ngân hàng với dân cư và doanh nghiệp), mặt bằng lãi suất cũng đang dềnh lên. Gần nửa số ngân hàng đang có động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở một số kỳ hạn các tháng gần đây, đặc biệt ở nhóm nhà băng có quy mô vốn nhỏ và trung bình.
Theo Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, bên tham gia đấu thầu trong tuần qua vẫn chủ yếu là các công ty bảo hiểm. Với khẩu vị rủi ro thấp, trái phiếu chính phủ cùng các khoản tiền gửi ngân hàng thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn trong danh mục đầu tư của nhóm doanh nghiệp này.
Kẻ lợi, người thiệt
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm được sử dụng làm con số xác định tỷ lệ chiết khấu khi xác định giá trị trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Theo chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Agriseco, mức lãi suất trên tăng sẽ làm giảm giá trị trích lập dự phòng, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Như ghi nhận trên báo cáo tài chính năm 2021 của Bảo Việt, tập đoàn này tính toán tỷ lệ chiết khấu tăng 0,25%, làm giảm tới 1.000 tỷ đồng trách nhiệm phải trích lập dự phòng toán học. Tuy vậy, Bảo Việt là doanh nghiệp duy nhất cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong nhóm công ty bảo hiểm trên sàn.
Về lý thuyết, lợi tức từ các khoản tiền gửi và trái phiếu tăng lên nhờ xu hướng tăng chung của lãi suất. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận nửa đầu năm lại không mấy khả quan đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm, bởi diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi, mà một phần nguyên nhân cũng chính từ xu hướng dềnh lên của lãi suất toàn cầu.
Trừ Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) chỉ phân bổ tài sản vào các khoản tiền gửi, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều đầu tư cổ phiếu. Theo thống kê của Chứng khoán Agriseco, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng 2 - 9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10 - 46% lợi nhuận đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2021. Thị trường chứng khoán sụt giảm, nhất là trong quý II/2022, đã khiến các khoản trích lập dự phòng đầu tư cổ phiếu tăng lên, trực tiếp làm giảm lợi nhuận ròng.
Trong nửa đầu năm 2022, chỉ 3/11 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn có lãi trong hoạt động tài chính, bao gồm Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Bảo Long và Tái bảo hiểm PVI. Đây cũng là 3 trong 4 doanh nghiệp đạt tăng trưởng dương. Bảo hiểm Hàng không ghi nhận tới gần 87 tỷ đồng lãi kinh doanh chứng khoán, gấp 15 lần cùng kỳ. Lãi tiền gửi cũng tăng hơn 12 lần cùng kỳ, nhưng chỉ góp 13 tỷ đồng.
Bảo Minh là công ty bảo hiểm duy nhất vẫn báo lãi tăng nhờ lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm hồi phục mạnh so với cùng kỳ. Lãi tiền gửi của Bảo Minh thậm chí còn giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lợi nhuận hoạt động tài chính tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm giảm mạnh. Ngoài Bảo Minh giảm 33%, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tái bảo hiểm Việt Nam (VNR) và Bảo hiểm BIDV (BIC) lần lượt giảm 32%, 27% và 24%.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tác động của môi trường tăng lãi suất sẽ thể hiện rõ hơn ở tăng trưởng lợi nhuận năm 2023. Dù hưởng lợi từ bối cảnh lãi suất tăng hiện tại, tỷ lệ bồi thường sẽ quay lại mức bình thường và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu không còn thuận lợi như năm 2021 là yếu tố không mấy tích cực với nhóm này.
Thanh Thủy
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/lai-suat-tang-doanh-nghiep-bao-hiem-khong-cung-vui-a58302.html