Cô giáo mầm non ở Thái Bình dùng gai bưởi đâm trẻ
Tối 20/9, hội nhóm trên mạng xã hội tại Thái Bình xuất hiện thông tin một số trẻ mầm non đang học tại lớp 4 tuổi Sunny 1 ở Trường Mầm non tư thục chất lượng cao Kỳ Bá - Fairy Dream 2, khu đô thị Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình bị cô giáo dùng vật nhọn giống như kim, gai đâm vào người.
Lớp Sunny 1 có 25 học sinh với 3 cô giáo mầm non được giao phụ trách, gồm: Phạm Thị Thu Tr. (sinh năm 1996, trú thôn Kìm, xã Vũ Lạc, TP.Thái Bình), Nguyễn Thị H. (sinh năm 1986, trú thôn Lang Trung, xã Trung An, huyện Vũ Thư) và Nguyễn Thị Huyền Tr. (sinh năm 1995, trú xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư).
Trước hình ảnh không thể chối cãi được camera ghi lại và lời kể của 1 số bé, cô Phạm Thị Thu Tr. thừa nhận có dùng gai bưởi bẻ từ cây bưởi trồng trong khuôn viên trường châm vào tay một số bé. Vụ việc vẫn đang được Công an TP Thái Bình tiếp tục điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, dư luận đang vô cùng bàng hoàng và bức xúc.
Hành động phi giáo dục
Chia sẻ về vụ việc trên, trao đổi với PV báo Dân Việt, thạc sĩ Giáo dục Ngô Thanh Huyền, tốt nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Bansomdej Chaopraya, Bangkok, Thái Lan, hiện là hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt, quận Hà Đông, Hà Nội cho hay: "Theo tôi, ban giám hiệu trường cũng có trách nhiệm vì khâu tuyển giáo viên không gắt gao, không quản lý hoạt động của giáo viên trong các lớp học.
Cả 3 giáo viên phụ trách lớp chưa có tâm với nghề, chưa yêu trẻ, một người thì bạo hành học sinh, 2 người còn lại thì thấy hành động sai trái đã không ngăn cản. Bạo lực có thể xảy ra nhiều lần và lần này cô giáo có sự chuẩn bị gai bưởi mang vào lớp. Đây không thể là phút "bốc đồng", không kiềm chế được của giáo viên, vì nếu vậy cô sẽ chỉ phát vào tay hoặc chân trẻ luôn chứ không chạy ra vườn để lấy gai bưởi. Giáo viên có rất nhiều cách để dạy dỗ trẻ, không phải dùng hành động phi giáo dục như thế".
Theo Thạc sĩ Giáo dục Ngô Thanh Huyền, nuôi dạy con trẻ vốn dĩ là một điều không dễ dàng. Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, đây là thời điểm trẻ học hỏi và bắt đầu hình thành nhân cách, là bước đệm quyết định cách hành xử và suy nghĩ về sau.
Ts. Ls. Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: "Việc làm của cô giáo trẻ là hành hạ người khác, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tâm lý của trẻ em. Hành vi này không thể chấp nhận được nên cần phải có hình thức xử lý nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Theo thông tin ban đầu, cô giáo này đã dùng gai bưởi lấy ở khuôn viên nhà trường để châm vào người nhiều cháu bé. Dù với mục đích gì thì cũng không thể chấp nhận được khi gây ra đau đớn về thể xác, sợ hãi, lo lắng, có nguy cơ gây ra nhiễm trùng (nếu không được vệ sinh kịp thời) ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của cháu bé và gây bức xúc cho phụ huynh... Bởi vậy, việc một số phụ huynh tố cáo cô giáo này đến cơ quan chức năng là cần thiết để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn trong môi trường học đường.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ đây là cơ sở giáo dục công lập hay tư thục, hoạt động giáo dục mầm non có được đăng ký và phù hợp với quy định của pháp luật hay không; Sẽ làm rõ giáo viên đã có hành vi dùng gai bưởi đâm vào người các học sinh này có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp hay không, có được đào tạo chuyênh ngành, có chứng chỉ chuyên môn phù hợp hay không... Hành vi cho thấy sự vô cảm của giáo viên này đối với tâm lý và sức khỏe của học sinh. Nếu không phát hiện kịp thời thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên là mối quan hệ lệ thuộc, học sinh phải lệ thuộc vào giáo viên, cơ sở giáo dục trong quá trình giáo dục. Trong mối quan hệ đó mà giáo viên có hành vi đánh đập, chửi bới, xúc phạm đến học sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của học sinh thì đó là hành vi hành hạ. Hành vi hành hạ đến mức là "đối xử tàn ác" hoặc làm nhục người lệ thuộc của mình thì có thể bị xử lý hình sự với mức độ là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Hành vi đối xử tàn ác với người dưới 16 tuổi hoặc đối với 2 người trở lên thì có thể bị áp dụng mức hình phạt tới 3 năm tù".
Theo Ls Cường, trong thời gian qua, hành vi hành hạ người khác diễn ra trong môi trường học đường diễn ra tương đối phổ biến, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều trường hợp giáo viên đã bị khởi tố, xử lý hình sự nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về công tác quản lý giáo dục còn có nhiều bất cập, nhiều người không đủ trình độ, không đủ tiêu chuẩn phẩm chất về đạo đức nhưng vẫn đứng lớp, vẫn được giao giảng dạy, chăm sóc học sinh. Hành vi hành hạ trẻ em là trẻ mầm non diễn ra phổ biến nhất, đặc biệt là đối với các cơ sở mầm non tư thục và người thực hiện hành vi hành hạ trẻ em thường là các giáo viên không được đào tạo bài bản và các cơ sở giáo dục thiếu sự quản lý, không sát sao trong việc tuyển chọn, giám sát hoạt động của giáo viên.
Tào Nga
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/vu-co-giao-mam-non-thua-nhan-dung-gai-buoi-dam-tre-bao-luc-xay-ra-nhieu-lan-a60588.html