Theo Ngân hàng Nhà nước, ngay sau Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, các ngân hàng trung ước nhiều nước đã có động thái tương tự. Các nước quanh Việt Nam cũng có động thái tăng lãi suất ngay lập tức: Ngân hàng Trung ương Philippines, Indonesia cùng tăng lãi suất từ 3,75% lên 4,25%…
Với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định tăng tăng thêm 1% tất cả lãi suất điều hành, tăng 0,3% đối với trần lãi suất có kỳ hạn dưới 1 tháng và 1 điểm % với kỳ hạn 1 tháng - 6 tháng từ ngày 23/9, điều chỉnh các mức lãi suất tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất sau 2 năm. Theo chuyên gia, việc tăng lãi suất này là phù hợp trong bối cảnh hơn 90 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho biết: "Lãi suất điều hành tăng nhưng mức tăng tương đối nhỏ, nếu so với các nước cũng nhỏ hơn rất nhiều. Điều này phù hợp với quá trình mong muốn vừa ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh".
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay, có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (so với cả năm 2021 là 113 lượt tăng). Đáng chú ý sau 5 lần tăng, FED đã đưa lãi suất dao động lên mức 3-3,25%. FED cũng dự báo sẽ tăng lãi suất lên 4,6% trong năm 2023 để kiềm chế lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của FED gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng cuả Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB tại Việt Nam phân tích: "Chúng ta thấy những chính sách siết chặt tiền tệ, tài chính trên Thế giới làm thị trường tài chính toàn cầu trở nên khó khăn hơn, từ đó ảnh hưởng các dòng vốn đến Việt Nam trong đó có dòng vốn FDI, dòng vốn kiều hối. Những yếu tố bất ổn về địa chính trị là những yếu tố bên ngoài tác động đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, tạo ra những ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam".
Tính đến sáng ngày 20/9/2022 (so với thời điểm cuối năm 2021), các đồng tiền mất giá mạnh so với USD: Bạt thái THB (-11,95%), Yên Nhật JPY (-25,18%), Đồng Won Hàn Quốc KRW (-17,57%), EUR (-13,49%), Bảng Anh GBP (-20,02%).
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao thì áp lực lạm phát tại Việt Nam là rất lớn bởi nền kinh tế có độ mở cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến gần 190% GDP. Nếu tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất ổn định quá lâu trong bối cảnh mặt bằng thế giới biến động mạnh sẽ gây áp lực lên tỷ giá và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Theo ông Quang: "Thời gian qua, NHNN đã điều hành theo hướng cố gắng để đồng tiền Việt Nam giữ được giá trị ổn định, từ đó ổn định được lạm phát, nhưng về nguyên lý chúng ta không thể đồng thời ổn định lãi suất và tỷ giá.
Khi FED nâng lãi suất, buộc các ngân hàng Trung ương trên Thế giới nâng lãi suất đồng tiền của mình lên để đảm bảo tỷ giá không biến động quá lớn, hạn chế lạm phát nhập khẩu, trường hợp của Việt Nam cũng vậy".
Tại buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng 3 quý của năm 2022, NHNN thông tin: Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Từ diễn biến của thị trường trong nước và thế giới hiện nay, để đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô nhmững tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo, liên quan đến hạn mức tăng trưởng tín dụng, NHNN cho biết tiếp tục đặt ra con số 14% trong năm 2022, và có thể xem xét điều chỉnh cần thiết.
Tuy nhiên từ nay đến cuối năm mục tiêu kiểm soát lạm phát là quan trọng nên sẽ bám mục tiêu này. NHNN đang theo dõi, giám sát để đánh giá kịp thời việc tăng trưởng tín dụng của năm nay để có cơ sở điều hành cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: "Định hướng trong thời gian tới về hoạt động tín dụng, điều hành chính sách tiền tệ tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền. Đây là một trong những mục tiêu số một trong thời gian tới, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để nước ta nhanh chóng khôi phục nền kinh tế".
Trong bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và nhiều thách thức, điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Do đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay./.
Bảo Ngọc/VOV1
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nhnn-tang-lai-suat-dieu-hanh-giam-ap-luc-ty-gia-kiem-soat-lam-phat-a60858.html