Trên đà phục hồi, phát triển, nhưng còn nhiều thách thức cần vượt qua phía trước

Cần khẳng định, các doanh nhiệp đóng giữ vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục và phát triển kinh tế nói chung. Theo đánh giá, TP Hồ Chí Minh hiện tiếp tục có mức tăng trưởng khá; Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc; Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng trở nên sôi động khi khách du lịch đã tự do “xê dịch”; Các lĩnh vực khác cũng đang vực dậy, chuyển mình tìm lối bứt phá trong tình hình mới.

Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng những điều này đã mang đến những tín hiệu tích cực và lạc quan cho thành phố sau một năm mở cửa.

Trong vai trò vực dậy nền kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) có vị trí rất quan trọng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, BĐS cần nguồn vốn đầu tư lớn và cũng tạo ra thặng dư lớn. Khi thị trường BĐS phát triển sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác phát triển theo, như lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, thị trường nội thất, tạo việc làm trong các ngành; Đồng thời là các dịch vụ tiện ích đi theo như hạ tầng giao thông, xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, giải trí…

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư, họ đang trông chờ những chính sách phù hợp để khơi thông thị trường. Theo nhiều chuyên gia, nếu BĐS được khơi thông đúng hướng sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình hồi phục sau cơn đại dịch.

Khó khăn và cơ hội

Để có thể hiểu rõ thêm thị trường bất động sản hiện nay, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra những góc nhìn tổng quan, chi tiết và thiết thực.

Còn nhiều khó khăn

Kể từ khi bình thường trở lại - tháng 10/2021, chúng tôi phải cơ cấu lại công ty. Nhân sự chỉ bằng 60% trước dịch. Quý IV/2021, doanh thu chỉ đạt 20% kế hoạch đề ra.

PN Holding Thủ Đức
PN Holding Thủ Đức

Qua năm 2022, dù các biện pháp chống dịch đạt hiệu quả và tình hình sản suất kinh doanh dần phục hồi, thế nhưng thị trường BĐS hai quý đầu năm, cụ thể nhu cầu thực thanh khoản vẫn rất chậm, nguồn cung lại hạn chế. Các dự án mới triển khai đều khựng lại về pháp lý, nguồn vốn vay bị gián đoạn do các ngân hàng siết chặt - hết room tín dụng. Nhiều khách hàng đầu tư lâu năm của chúng tôi cũng đang dồn vốn vào khắc phục, gầy dựng lại việc kinh doanh hậu dịch, do đó vốn cho đầu tư BĐS cũng không dồi dào như trước.

Những khách hàng nhu cầu thực thì vừa qua gần như đang gác lại việc mua nhà an cư. Nhu cầu an cư là thực và rất lớn, nhất là tại vùng Đông Nam Bộ. Nhưng sau “bão COVID”, công việc của họ cũng chưa hoàn toàn ổn định như trước đây. Rồi các bất ổn về địa chính trị trên thế giới, các chính sách kiểm soát vĩ mô liên quan tới thị trường BĐS, giá xăng liên tục tăng, lạm phát leo thang… khiến khách hàng phải tạm gác lại quyết định của mình.

Mặc dù BĐS là lĩnh vực có tỷ lệ biến động lao động cao, nhưng tỷ lệ trên xảy ra với nhiều công ty nhỏ cùng lĩnh vực như chúng tôi, cho thấy đây là giai đoạn thực sự khó khăn. Cho đến hiện tại, chúng tôi vẫn xác định rõ khó khăn vẫn hiện hữu ít nhất là hết năm nay.

Thị trường đang chờ tín hiệu tốt

Có thể nói, năm 2022 là một năm đầy thử thách đối với thị trường BĐS. Trải qua 8 tháng đầu năm với nhiều khó khăn, thị trường đang bắt đầu kỳ vọng vào những điểm sáng về tín dụng, tăng trưởng kinh tế, quy hoạch hạ tầng, sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan đến BĐS… vào những tháng cuối năm.

Bài 2: Trên đà hồi phục, phát triển, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua phía trước
Ông Nguyễn Nam Hiền - Chủ tịch VPCorp và HKT Group

Đặc biệt, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với một số tổ chức tín dụng. Thông tin nới room tín dụng này và việc dự báo sẽ có những đợt tín dụng mới trong thời gian tới sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt cho thị trường, thúc đẩy dòng vốn chảy vào BĐS, từ đó tạo tâm lý tích cực đối với khách hàng cũng như niềm tin cho các nhà đầu tư.

Cùng với đó, một số động thái tích cực, kịp thời từ Chính phủ, như việc ban hành Chỉ thị 13 với nhiều giải pháp tập trung vào 2 nội dung quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật và các giải pháp tháo gỡ thủ tục đầu tư, tăng nguồn cung cho thị trường để phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững hơn… Tôi cho rằng, thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ, tạo ưu thế cho những doanh nghiệp BĐS có tiềm lực tài chính, kinh doanh bài bản và đảm bảo về tiến độ xây dựng.

Nếu được tháo khó về thủ tục hành chính

Ngay sau đại dịch, chúng tôi bắt đầu tái thiết lại các hoạt động kinh doanh, tăng tốc hoạt động xây dựng, phát triển dự án. Theo tôi, gói hỗ trợ bổ sung hơn 114 nghìn tỷ đồng từ ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng sẽ là một trong những tín hiệu tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của thị trường trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group
Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group

Sự đẩy mạnh kết nối liên vùng giữa trung tâm các thành phố lớn đi các tỉnh cũng sẽ kéo theo sự gia tăng về giá trị BĐS tại các tỉnh trong tương lai gần. Trong đó, Long An, Đồng Nai, Bình Dương vẫn tiếp tục trở thành điểm nóng của thị trường nhờ những lợi thế về vị trí, quỹ đất và hạ tầng được đầu tư mạnh trong những năm gần đây.

Tuy mở ra nhiều cơ hội, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều vướng mắc, nhiều nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới vẫn chưa được tháo gỡ. Khung pháp lý cho một số loại hình BĐS vẫn chưa thực sự rõ ràng, khiến nhiều chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc ra mắt dự án mới.

Để kích cầu kinh tế, tạo đà cho sự phát triển xã hội, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Tăng cường các chính sách về tài khóa cộng hưởng với những biện pháp về tiền tệ để có thể giúp cho các doanh nghiệp giải quyết bài toán thanh khoản.

Việc nới room tín dụng, tạo hành lang pháp lý, thủ tục hành chính, quy định trong Luật Đất đai, thuế… cần có sự điều chỉnh đồng bộ, phù hợp để doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển dự án, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế quốc gia.

Bài toán tín dụng và thủ tục đầu tư

Trong thời gian tới, nhìn chung BĐS vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn đối với người dân, đặc biệt là những dự án có pháp lý đầy đủ, các khu đô thị được đầu tư bài bản về hạ tầng, tiện ích. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất thời điểm này đó là cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, như việc mở room tín dụng, giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, việc tạo động lực, niền tin cho khách hàng, người dân có nhu cầu thực đầu tư cũng sẽ là cơ hội để thị trường BĐS phát triển trở lại.

Tốc độ xây dựng trên địa bàn TP bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc
Tốc độ xây dựng trên địa bàn TP bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc

Nếu giải được các bài toán trên thì không chỉ lĩnh vực BĐS, các ngành kinh tế khác cũng sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Bức tranh nỗ lực

Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP Hồ Chí Minh 8 tháng đầu năm ước đạt 746.578 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 10,6%). Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 31,75 tỷ USD, tăng 9,02% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu của DN qua cửa khẩu cả nước ước đạt 43,2 tỷ USD, tăng 7,51% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2022, TP Hồ Chí Minh thu hút được khoảng 2,71 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 24,4% so với cùng kỳ; Có 29.224 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 346.887 tỷ đồng.

Nhìn vào tổng thể bức tranh kinh tế khá khả quan, tuy nhiên song song với đó là vô số những khó khăn mà các doanh nghiệp cần luôn nỗ lực vượt qua.

Doanh thu phục hồi

Năm 2022, tổng giá trị trúng thầu 7 tháng đầu năm của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tương ứng 40% so với kế hoạch cả năm. Doanh thu của Hòa Bình đang dần trở lại năm đỉnh cao 2018, với mục tiêu năm 2022 là 17.500 tỷ đồng.

Về cơ cấu doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2022, hầu hết đến từ các hợp đồng tổng thầu, thầu chính, thiết kế và thi công các dự án văn phòng, nhà ở, khách sạn. Hy vọng trong nửa cuối năm nay, giá nguyên vật liệu xây dựng sẽ bình ổn hơn để giảm thiểu tác động của trượt giá lên ngành Công nghiệp xây dựng. Đồng thời, kỳ vọng Chính phủ sẽ có giải pháp hiệu quả và thiết thực để giúp cho những dự án đầu tư công được triển khai thông suốt và tháo gỡ các khó khăn hiện nay cho nhà thầu.

Thu hút và bảo vệ sức khỏe

Trong thời gian dài cơn đại dịch COVID-19 hoành hành, các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí tê liệt. Khi ấy, người lao động buộc phải về quê vì không còn khả năng bám trụ lại thành phố.

Bài 2: Trên đà hồi phục, phát triển, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua phía trước
Công ty TNHH Nidec Việt Nam nhanh chóng hồi phục sản xuất sau đại dịch

Sau khi cơn đại dịch đi qua, Công ty Nidec Việt Nam gặp khó khăn vì không đủ lao động do nhiều người chưa quay trở lại thành phố. Để thu hút nguồn lao động trở lại làm việc, phục hồi sản xuất, công ty đã nhận lại nhân viên cũ từng nghỉ việc do dịch. Những nhân viên nào mắc COVID-19 phải nghỉ bệnh sẽ không bị trừ tỉ lệ đi làm khi đánh giá hợp đồng. Đồng thời, trong suốt thời gian nghỉ vì dịch, tùy thời điểm công ty vẫn trả lương.

Hiện nay, mặc dù dịch đã được kiểm soát, nhưng công ty vẫn duy trì vách ngăn bàn ăn, phát khẩu trang cho nhân viên. Bên cạnh đó, công ty vẫn kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định phòng dịch, đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

Đãi ngộ cao

Công ty TNHH Intel Products Việt Nam là doanh nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực hoạt động là chế tạo, sản xuất linh kiện điện điện tử, có nhà máy tại Khu Công Nghệ Cao TP Hồ Chí Minh, với hơn 2.800 nhân viên. Tổng mức mức đầu tư vào Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD.

Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh - nơi thu hút hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài tên tuổi đầu tư vào Việt Nam
Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh - nơi thu hút hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài tên tuổi đầu tư vào Việt Nam

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời như: Thưởng đóng góp trong 1 tháng là 500.000 đồng/ngày làm việc; Hỗ trợ tiền thuê người giữ trẻ mỗi tháng từ 75 - 150 USD/trẻ; Ngoài số tiền ăn được cấp như bình thường, những lao động đi làm trong thời gian dịch theo phương án “1 cung đường 2 điểm đến” đều được công ty cung cấp thêm 2 bữa ăn miễn phí, không phân biệt người lao động là nhân viên trực tiếp hay gián tiếp.

Ngay sau thời điểm thành phố mở cửa (1/10/2021), công ty cũng hỗ trợ về kiến thức phòng chống dịch cho người đi làm; Hỗ trợ phương tiện đi làm nếu ở xa; Thực hiện chính sách trả 100% tiền lương cho người lao động là F0…

Thay đổi nền tảng giao dịch

Sau thời gian dịch bệnh được kiểm soát, ECoop mở cửa hoạt động trở lại nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Để có thể duy trì hoạt động có hiệu quả, ECoop tìm và áp dụng nhiều mô hình khác nhau, trong đó có mô hình bán hàng lưu động, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng với mức giá tốt nhất. Bên cạnh đó, ECoop cũng nâng cấp mô hình mua hàng online với uy tín, chất lượng và giá thành hợp lý đặt lên hàng đầu.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế ECoop
Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế ECoop

Thật sự với tình hình hiện nay, để có thể quay trở lại sức mua như trước mùa dịch vẫn còn là bài toán khó. Hy vọng trong tương lai gần, khi Chính phủ có những chính sách cải cách, điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô, lúc đó mới có sự hồi phục đồng bộ giữa các hoạt động kinh doanh.

Sử dụng nguyên liệu trong nước

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại nước giải khát đóng chai, hiện nay, hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường như trước dịch bệnh, với hơn 540 lao động đã làm việc đủ; Thị trường tiêu thụ dần ổn định.

Ông Đặng Văn Hiến, Tổng Giám đốc Bidrico cho biết, để duy trì sản xuất bền vững trong giai đoạn bình thường mới, thay vì nhập nước cốt cam, táo, một số chất chiết xuất từ Châu Âu và Trung Đông, nay công ty đã chuyển sang tìm nguồn cung trong nước để tiết giảm chi phí. Ngoài ra, một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp là cân nhắc, tiết giảm tất cả các chi phí trong các khâu sản xuất, sắp xếp lại nguồn lao động, thời gian sản xuất cho hợp lý. Đặc biệt, doanh nghiệp tính toán các mẻ sản xuất tối ưu để chi phí sản xuất thấp; Tất cả các khấu hao cũng được cắt giảm để có giá thành hợp lý hơn trong điều kiện khó khăn.

Thị trường xuất khẩu

Ngành nhựa, cao su trong 8 tháng qua tình hình xuất khẩu khá tốt, nhiều doanh nghiệp lớn ở TP Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng từ 10 - 15%, riêng các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe tăng trưởng 29%.

Bài 2: Trên đà hồi phục, phát triển, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua phía trước
Ngành nhựa, cao su có tốc độ xuất khẩu khá tốt trong những tháng gần đây

Tuy nhiên, theo dự báo, những tháng cuối năm thị trường xuất khẩu sẽ khó khăn, cụ thể là tại Mỹ và Châu Âu khiến sức mua đang chậm lại do ảnh hưởng lạm phát. Các đơn hàng về lốp xe, các loại đồ chơi bằng nhựa, sản phẩm cao su kỹ thuật, nhựa gia dụng… cũng giảm.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu cao su tổng hợp nhập khẩu đã tăng 30%, chi phí logistics cũng tăng rất cao. Đơn hàng từ thị trường Mỹ và Châu Âu đang giảm và hàng tồn kho đang nhiều, khó kiểm soát.

Cần đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế
Bài 2: Trên đà hồi phục, phát triển, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua phía trước
Cần có những cơ chế mới giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, giải quyết nhanh hơn thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ chương trình kích cầu của thành phố.

Mục đích của gói hỗ trợ để cho doanh nghiệp phát triển, nhưng thời gian triển khai chậm làm cho sự phát triển của doanh nghiệp chậm theo và bị hạn chế. Gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp chưa tiếp cận được, trong khi lãi suất cho vay của ngân hàng đã tăng. Vì vậy, các chính sách của Chính phủ đưa ra cần được các địa phương làm sao để tiến trình thực thi nhanh nhất. Hiện nay, tất cả tiến trình rất chậm nên hiệu quả mang lại từ chính sách giảm đi rất nhiều, làm cho đối tượng được thụ hưởng từ chính sách giảm khả năng phục hồi.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh nhanh, hiệu quả, từ đầu năm đến nay UBND TP đã giao cho các Sở, ngành, cơ quan chức năng rà soát các vướng mắc thời gian qua để tập trung tháo gỡ; Các quận, huyện cũng rà soát lại để tăng cường giải quyết những vấn đề tồn đọng...

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc đưa tốc độ tăng trưởng GRDP từ âm 6,78% năm 2021 lên 6 - 6,5% trong năm 2022 là nhiệm vụ rất khó khăn. Nhưng sau 8 tháng, nền kinh tế TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng. Thành phố hiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Cụ thể trong 8 tháng, thành phố thu hút được khoảng 2,71 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Trong đó, có 479 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 309,4 triệu USD, tăng 24,1% số dự án cấp mới. Có 96 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,47 tỷ USD, tăng 127,3%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm, thành phố vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; Triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp.

Cùng với đó, thành phố nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; Cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng; Phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh...

Với nền tảng kinh tế và doanh nghiệp hiện hữu, cùng truyền thống năng động và sáng tạo của TP Hồ Chí Minh, chính quyền và người dân thành phố tin rằng sẽ mau chóng vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Bài viết: Thanh Tòng

Đồ họa: Phạm Mạnh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/tren-da-phuc-hoi-phat-trien-nhung-con-nhieu-thach-thuc-can-vuot-qua-phia-truoc-a61796.html