Dữ liệu theo thời gian thực của Forbes (Mỹ) cho thấy, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam gồm có 7 đại diện. Đó là, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và nhân vật mới có mặt trong năm nay là Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.
Tài sản của các tỷ phú "bốc hơi" 6,4 tỷ USD
Trong đó, Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,2 tỷ USD, đứng thứ hạng 621 trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes.
Với con số này giá trị tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giảm tới 2,1 tỷ USD trong vòng nửa năm vừa qua. Thậm chí, so với mức đỉnh 7,3 tỷ USD ghi nhận vào năm 2021, tài sản của ông Vượng đã giảm 42,5%.
Nằm trong TOP 1000 tỷ phú USD, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Nova Group sở hữu khối tài sản 3 tỷ USD.
Tại thời điểm Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022 vào đầu tháng 4/2022 (5/4), khi đó tài sản của ông Bùi Thành Nhơn theo thời gian thực lên tới 3,5 tỷ USD và đứng thứ 909 thế giới.
Đứng vị trí thứ 3 trong số 7 tỷ phú USD của Việt Nam trong danh sách của Forbes, khối tài sản ròng của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang ở mức 2,4 tỷ USD.
So với 6 tháng trước, tài sản ròng của nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam đã "bốc hơi" 0,7 tỷ USD.
Tài sản ròng của tỷ phú Hồ Hùng Anh và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng sụt giảm lần lượt 0,8 tỷ USD và 0,6 tỷ USD.
Ông Trần Bá Dương từ vị trí 1.925 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới, sau 6 tháng hiện vị tỷ phú này đã leo lên vị trí 1.818. Tuy nhiên, tài sản ròng lại giảm từ 1,6 tỷ USD xuống còn 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, tỷ phú thép Trần Đình Long ghi nhận tỷ lệ thiệt hại lớn nhất, khoảng 50% trong vòng nửa năm qua khi tài sản ròng giảm từ 3,2 tỷ USD xuống còn 1,6 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.
Trên thực tế, kể từ thời điểm lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes hồi năm 2018, năm 2022 là giai đoạn giá trị tài sản của ông Long lập đỉnh. Song, việc tài sản ròng bị điều chỉnh liên tục khiến thứ hạng của vị tỷ phú 61 tuổi rơi khoảng 700 bậc.
Như vậy, chỉ trong vòng nửa năm tài sản ròng của 7 tỷ phú thế giới của Việt Nam đã "bốc hơi" 6,4 tỷ USD, giảm 28,8%.
Tài sản của các tỷ phú bao giờ mới tăng trở lại?
Tài sản của các tỷ phú sụt giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước diễn biến tiêu cực trong nửa năm qua. Thậm chí trong các phiên giao dịch gần đây các hàn thử biểu trên thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm không ngừng càng nới rộng mức độ giảm về quy mô tài sản của các tỷ phú.
Hiện Vn-Index đã lùi về 1.070 điểm, và HNX giảm về 236 điểm – mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua.
Mặc dù giảm mạnh, các chuyên gia phân tích vẫn kỳ vọng vào một kịch bản tích cực của thị trường trong thời gian tới. Cơ sở để tài sản của các tỷ phú gia tăng trở lại.
Chẳng hạn như các chuyên gia phân tích tại ACBS đưa ra 3 kịch bản cho chỉ số VN-Index trong năm 2022. Theo đó, VN-Index có thể đạt 1.589 điểm trong kịch bản lạc quan; 1.422 điểm trong kịch bản trung lập và 1.216 điểm trong kịch bản thận trọng, cao hơn khá nhiều so với mức 1.100 điểm như hiện nay. Thị trường được kỳ vọng sẽ bình thường hóa vào năm 2023 và có thể mức định giá sẽ trở lại đỉnh lịch sử.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT dự báo, VN-Index có thể hồi phục lên tầm 1.300 điểm vào cuối quý IV năm nay.
N.Minh
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/chung-khoan-xuong-day-20-thang-tai-san-7-ty-phu-viet-boc-hoi-6-ty-usd-ai-thiet-hai-lon-nhat-a62814.html