Cần cơ chế tháo gỡ quy hoạch cho đất nông nghiệp
Theo một số doanh nghiệp và Hợp tác xã ở TP.HCM, để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đô thị rất cần cơ chế chính sách linh hoạt, nhất là việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp.
Nhưng thực tế hiện nay việc xây dựng các công trình nông nghiệp không phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Đại diện các doanh nghiệp và hợp tác xã đề nghị, TP sớm có cơ chế tháo gỡ, cũng như quy hoạch cụ thể quỹ đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác để phục vụ mục tiêu phát triển trong tương lai.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, đại diện Công ty TNHH Rijk Zwaan Hà Lan tại Việt Nam cho rằng: "Một thực tế đang tồn tại và chưa có hướng giải quyết thấu đáo cho bà con, đó là việc xây dựng nhà màng, nhà kính trên đất nông nghiệp không được... Làm nông nghiệp mà không xây dựng được nhà màng nhà kính thì làm sao phát triển được nông nghiệp đô thị, công nghệ cao".
Thời gian qua, tình trạng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, nhất là thức ăn chăn nuôi, phân bón tiếp tục xuất hiện là ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp và các hợp tác xã đề nghị công tác quản lý Nhà nước đối với vấn đề này cần chặt chẽ hơn, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ vốn vay để mở rộng sản xuất, đặc biệt là giai đoạn cao điểm trước Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán 2023.
Trao đổi những vấn đề nêu trên, đại diện Sở Xây Dựng TP.HCM cho biết, TP đã thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.
Các ngành chức năng đã trình Ủy ban nhân dân TP tiếp tục thí điểm, mở rộng địa bàn thí điểm. Tuy nhiên, TP đang chờ ý kiến Trung ương vì Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp mới đây đã “tuýt còi” hoạt động thí điểm của TP.HCM vì nội dung này mang tính đặc thù địa phương, chưa phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 2013.
Theo ông Tống Đức Tiến-Trưởng phòng cấp phép xây dựng, thuộc Sở Xây Dựng TP.HCM: "Thành phố cũng đã nhận thức việc này chưa phù hợp với quy định pháp luật. Nhưng qua thực hiện thí điểm từ nhu cầu thực tế của bà con để chúng ta có cái nhìn thực tiễn và cách thức như thế nào để đề xuất Trung ương vấn đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách để làm sào phù hợp thực tiễn hơn sát với những mô hình đầu tư xây dựng phát triển nông thôn".
TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân
Các ngành chức năng liên quan, như: Nông nghiệp, Công thương, quản lý thị trường cho biết sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản cũng như chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp đầu vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Về vần đề nguồn vốn vay cho sản xuất nông nghiệp, bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM cho hay, TP có 3 chính sách khác nhau để hỗ trợ nông dân. Những chính sách này còn có hỗ trợ lãi vay, kích cầu đầu tư. Trong đó ưu tiên những loại cây con giống nằm trong danh mục có chủ trương của TP.
Theo bà Mai: "Nếu có nhu cầu gấp thì có thể liên hệ với Hội nông dân thành phố, vì còn rất nhiều nguồn vay khác nhau. Đơn cử như đối tượng hợp tác xã, mình có thể liên hệ với quỹ CCM để vay vốn và được hỗ trợ lãi vay theo chương trình. Bên cạnh đó nguồn quỹ bên hội nông dân cũng còn nhiều các chính sách cho hợp tác xã và các doanh nghiệp lựa chọn".
Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ bà con vay vốn. Theo lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP.HCM, trong năm 2022, Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh...
Riêng TP.HCM cũng có chính sách tương tự. Tuy nhiên, việc cho vay hỗ trợ 2% lãi suất phụ thuộc vào thẩm định của các ngân hàng thương mại./.
Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/tphcm-go-kho-cho-doanh-nghiep-va-hop-tac-xa-nong-nghiep-a68897.html