Còn sức, còn làm cứu hộ tai nạn giao thông
Chiến tranh đã qua đi nhưng có những người lính vẫn tiếp tục "cuộc chiến" của mình giữa thời bình. Cựu quân nhân Phan Tất Thọ (SN 1965, ở xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) là một trong số ấy.
Hơn 30 năm nay, hình ảnh ông Thọ cứu hộ tai nạn giao thông miễn phí đã trở nên quen thuộc với người dân dọc quốc lộ 2, đoạn chạy qua địa phận huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Ông Thọ từng là bộ đội đóng quân tại đơn vị vận tải thuộc Quân khu 2 và xuất ngũ về quê vào năm 1988. Hơn 30 năm xuất ngũ, cũng là hơn 30 năm ông Thọ cứu hộ người bị tai nạn giao thông, bất kể ngày mưa hay nắng.
Theo ông Thọ, Quốc lộ 2 là tuyến đường huyết mạch lưu thông, vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại. Tuyến đường này có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, nên thường hay xảy ra tai nạn.
Chứng kiến cảnh tượng những người không may gặp nạn, ông Thọ không khỏi xót xa. Thế là, năm 2006, Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn được thành lập do ông Thọ làm đội trưởng. "Trụ sở" làm việc cũng chính là ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Thọ, nằm ngay mặt đường Quốc lộ 2 xã Tiêu Sơn.
Thời gian đầu làm cứu hộ, ông Thọ vẫn còn rụt rè khi gặp phải những vụ tai nạn nghiêm trọng, không dám chạm vào nạn nhân. Nhưng nếu cứ sợ sệt thì sẽ không thể sơ cứu kịp thời cho người bị nạn. Do đó, ông tự trấn an bản thân, cố gắng vượt qua nỗi sợ để có thể hoàn thành sứ mệnh cứu người.
Cứ thế, nhận được tin báo có tai nạn giao thông, ông Thọ lại lập tức tới hỗ trợ. Ông cùng các thành viên trong đội giao thông tiến hành sơ cứu, rồi khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện và tìm cách liên lạc với gia đình nạn nhân.
Nếu chưa liên lạc được với gia đình, thành viên đội cứu hộ giao thông sẽ luân phiên túc trực ở bệnh viện, chờ đến khi liên lạc được và bàn giao lại cho người nhà nạn nhân thì mới yên tâm trở về.
Để đáp ứng công tác cứu hộ, ông Thọ tự dùng tiền túi của mình để mua vật dụng y tế cho đội cứu hộ, tự học các phương pháp sơ cứu. Sau đó, ông thường xuyên tham gia các khóa học sơ cứu và hướng dẫn lại cho các thành viên trong đội để mọi người nâng cao kỹ năng.
Ngoài công việc cứu hộ tai nạn giao thông miễn phí, ông Thọ vẫn làm nhiều công việc để mưu sinh. Nhưng khi biết địa bàn xảy ra tai nạn giao thông, ông gác lại tất cả công việc, đi ngay đến chỗ phát sinh vụ việc để giúp đỡ.
Với gia đình ông Thọ, việc ông bỏ dở bữa cơm hay nửa đêm vùng dậy chạy ra đường là chuyện thường trong nhiều năm qua.
Bà Hoàng Thị Sơn (vợ ông Thọ) tâm sự: "Nhiều lúc mưa gió, nửa đêm, nhưng cứ thấy báo có người bị nạn là ông ấy lại bật dậy lao đi nên tôi cũng xót ruột lắm. Nhưng với ông ấy, giúp đỡ mọi người là niềm vui, là việc ý nghĩa, nên tôi cùng các con cũng động viên, ủng hộ để ông ấy phấn khởi".
Ông Thọ cũng cho biết, đã trở thành thói quen, nên ông luôn quan sát thật kỹ mọi thứ trên đường. Nhiều khi, tình cờ đi ngang qua chỗ có tai nạn giao thông, nạn nhân đã được đưa đi viện nhưng ông vẫn hỏi thăm người dân xung quanh thông tin vụ việc để vào viện xem tình hình, kịp thời giúp đỡ nạn nhân khi cần.
"Chỉ hy vọng bản thân có thật nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục gắn bó với công việc ý nghĩa này" - ông Thọ nói.
Người dân sinh sống khu vực huyện Đoan Hùng khi nhắc đến ông Thọ, ai nấy đều kể vanh vách những việc làm nghĩa hiệp của ông và đội cứu hộ giao thông do ông phụ trách. Mọi người càng cảm phục, yêu quý ông Thọ hơn bởi tấm lòng cứu giúp người tự tâm, hoàn toàn miễn phí.
Lan tỏa việc cứu hộ tai nạn giao thông
Sau tất cả, điều mà ông Thọ mong muốn nhất là có thể tạo ra một hoạt động ý nghĩa, nhân văn cho mọi người cùng sẵn sàng, chung tay giúp đỡ những người bị tai nạn giao thông.
"Nhiều người đi đường thấy đội đang cứu giúp nạn nhân, họ cũng mạnh dạn hơn, phối hợp cùng chúng tôi giúp đỡ. Điều đó làm bản thân tôi và các thành viên trong đội cảm thấy rất tự hào và vô cùng vui mừng" - ông Thọ chia sẻ.
Khi mới thành lập, Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn chỉ có vài ba thành viên là anh em trong gia đình ông Thọ. Đến nay, đội cứu hộ đã có trên 10 thành viên thường trực.
Ông Thọ không nhớ chính xác việc ông và các thành viên đã giúp đỡ được cho bao nhiêu người bị nạn. Chỉ nhớ mang máng, phải đền hàng nghìn trường hợp người bị tai nạn, xe hư hỏng đã được ông cứu giúp.
Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, ông Thọ là một người hùng thầm lặng, hết lòng vì cộng đồng, nhất là người không may bị tai nạn giao thông. Ông cũng là điển hình người cựu quân nhân, tỏa sáng phẩm chất người lính Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường.
"Từ việc làm nhân văn, ý nghĩa của ông Thọ, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương từ lâu đã đồng hành, quyết định đỡ đầu cho các hoạt động của Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn.
Bên cạnh đó, các thành viên trong đội và thân nhân trong gia đình họ được Bệnh viện tặng thẻ BHYT để yên tâm gắn bó với công việc. Tất cả 11 thành viên trong đội đều được bệnh viện tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu thường xuyên" - ông Học nhấn mạnh.
Ông Thọ phấn khởi nói, đầu năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã tặng, trang bị trực tiếp cho đội một xe cứu thương, nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ cho công tác cấp cứu...
Đồng thời, từ diện tích đất sử dụng lâu dài của gia đình ông Thọ, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã đầu tư kinh phí xây ngôi nhà khang trang ngay trên tuyến Quốc lộ 2, làm nơi để các thành viên trong đội tiếp nhận thông tin, giao ban hội họp.
"Đây chính là động lực để mỗi thành viên trong đội tiếp tục giúp ích cho đời, lan tỏa sâu rộng các giá trị nhân đạo trên địa bàn. Từ khi được trang bị xe ô tô cứu thương, không chỉ cứu nạn giao thông mà các thành viên trong đội luôn có mặt, kịp thời sơ cấp cứu các trường hợp tai nạn lao động, đột quỵ và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn còn tích cực hướng dẫn nhiều người dân biết sơ cấp cứu ban đầu, tuyên truyền, vận động quần chúng chung tay hiến máu nhân đạo, làm công tác xã hội rất tích cực" - ông Thọ cho biết.
Ghi nhận những việc làm hay, hành động đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ông Thọ, những năm qua, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh Phú Thọ cùng các cấp, ngành của địa phương đã có những khen thưởng dành cho ông Thọ cũng như Đội cứu hộ giao thông xã Tiêu Sơn.
Còn với ông Thọ, việc những người được mình giúp đỡ đã thoát khỏi cửa tử, hay những cuộc điện thoại của người nhà và nạn nhân gọi đến cảm ơn ông cùng các thành viên trong đội cứu hộ chính là những món quà giá trị nhất.
Hoan Nguyễn
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/nguoi-hung-o-phu-tho-tham-lang-voi-cong-tac-cuu-ho-tai-nan-giao-thong-mien-phi-a69417.html