Kiến nghị nhà đầu tư được mua trái phiếu riêng lẻ để "cứu" doanh nghiệp bất động sản

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị tới Bộ Tài chính và Chính phủ về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), hiện nay, các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như các nguồn vốn khác.

Cụ thể, các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán đang phải đối mặt với tình trạng thị trường chứng khoán bị sụt giảm. Bên cạnh đó, việc tiếp cận được thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp cũng khó khăn hơn so với trước đây, trong đó có tác động của Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 (có hiệu lực kể từ ngày ban hành).

Ảnh minh họa

 

Từ đó, các doanh nghiệp BĐS sẽ khó huy động vốn ứng trước của khách hàng do thị trường BĐS đang có dấu hiệu “chững lại, trầm lắng”. Giao dịch sụt giảm dẫn đến rủi ro bị mất thanh khoản. Đây cũng là nỗi lo lớn nhất của chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp.

Một số doanh nghiệp BĐS đang dần thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh bằng việc dừng hoặc hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO… Thậm chí, các doanh nghiệp BĐS đang phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, có đơn vị giảm đến 50% lực lượng lao động.

Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, tác động đến cuộc sống người lao động.

Bên cạnh đó, việc bán dự án với "giá hời" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính, làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp quốc nội đang thống lĩnh thị trường BĐS hiện nay…

Trên cơ sở đó, để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS, HoREA kiến nghị Chính phủ 10 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cụ thể, Hiệp hội BĐS Tp.HCM đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định, để thu hút nguồn vốn nhỏ lẻ nhàn rỗi trong xã hội và giúp cho người dân có thêm một kênh đầu tư, nhất là sau khi đã có các quy định rất chặt chẽ của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm được phát hành riêng lẻ cháo bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.

“Trước mắt, để đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” có thể tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị quy định cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định. Như vậy mới phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư trái phiếu, cũng như đảm bảo “rủi ro” cho các nhà đầu tư cá nhân (không đủ điều kiện) khi ủy thác đầu tư thông qua các tổ chức chuyên nghiệp có năng lực theo quy định”, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh Văn bản số 437/TTGSNH-TTr1 ngày 25/04/2022 của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua ngà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS,  khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê... Của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.

HoREA cũng kiến nghị cần “có kết luận dứt điểm” các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án.

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/kien-nghi-nha-dau-tu-duoc-mua-trai-phieu-rieng-le-de-cuu-doanh-nghiep-bat-dong-san-a69482.html