Kể từ tháng 10, bán 'hàng xách tay' có thể bị phạt nặng

Bán hàng hóa xách tay có thể bị phạt bao nhiêu? Bán xăng dầu thùng, can, chai sẽ bị phạt nặng hơn trước. Tin nhắn, cuộc gọi, email quảng cáo sai quy định, xử lý như thế nào?... Đó là những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2020.

Bán xăng bằng trụ di động tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang - Ảnh: T.T.D.

Mua bán hàng hóa xách tay có thể bị phạt nặng, mức phạt cụ thể ra sao?

Mức phạt có thể gấp đôi giá trị hàng hóa

Nghị định 98/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10. Điều 15 nghị định này quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa nhập lậu.

Đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.

Mức phạt tiền gấp đôi nếu hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Tương tự là hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; thuốc phòng bệnh và nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản...

"Siết" cuộc gọi, email quảng cáo

Từ ngày 1-10-2020, nghị định 91/2020 quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực thi hành.

Theo đó, điều 13 nghị định này quy định mỗi người quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn tới một số điện thoại, 3 thư điện tử quảng cáo tới một địa chỉ thư điện tử, 1 cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người sử dụng. Tin nhắn trong khoảng thời gian từ 7h đến 22h mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8h đến 17h trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người sử dụng. Người vi phạm điều khoản trên có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Nghị định 91/2020 còn quy định người dùng có 3 cách chặn tin nhắn, cuộc gọi rác. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp cho người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Người dùng có thể chủ động ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác. Có 3 cách chặn tin nhắn, cuộc gọi rác gồm: phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656), thư điện tử rác; từ chối nhận tin nhắn quảng cáo; đăng ký số điện thoại vào danh sách không quảng cáo.

Tăng mức phạt người bán xăng qua thùng, can, chai

Nghị định số 99/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, có hiệu lực từ 11-10 có quy định hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác có thể bị phạt 3-5 triệu đồng (trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao được cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó).

Mua hàng miễn thuế, nhận hàng ở đâu?

Theo khoản 1 điều 3 nghị định 100/2020 về việc kinh doanh hàng miễn thuế có hiệu lực từ 15-10 có quy định mua hàng miễn thuế được nhận hàng tại các địa điểm sau: Người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh nhận tại quầy nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu quốc tế (nơi xuất cảnh). Khách du lịch là người nước ngoài theo đoàn bằng đường biển, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế mua hàng miễn thuế trong nội địa nhận hàng trong khu cách ly tại cửa khẩu cảng biển loại 01 nơi khách du lịch xuất cảnh.

Đáng chú ý, ngoài địa điểm nhận hàng quy định trên, khách mua hàng (trừ khách mua hàng trên chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam) được nhận hàng ở nước ngoài.

Đến vùng biên phải có giấy tờ tùy thân

Nghị định 96/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2020 cũng có một số quy định đáng chú ý. Theo đó, người Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền không mang theo CMND/CCCD/hộ chiếu có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Thông tư 28/2020 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành điều lệ trường tiểu học quy định giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Tuyết Mai

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/ke-tu-thang-10-ban-hang-xach-tay-co-the-bi-phat-nang-a7524.html