Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII) lần đầu tiên được giới thiệu bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) ngày 21/9/2022. Đây là công cụ đầu tiên đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các DN.
VBII dựa trên 7 yếu tố bao gồm văn hóa, quy tắc ứng xử, kiểm soát, giao tiếp, ứng xử, tuân thủ và chứng nhận đạt chuẩn nhằm xây dựng và vận hành một DN dựa trên tính liêm chính.
Hiện tại VCCI đã khởi xướng ý tưởng Đề án Mạng lưới DN Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBIN). VBIN là sáng kiến mang tính định hướng DN, do DN dẫn đầu, bao gồm DN trong nước và DN nước ngoài, với trọng tâm về kinh doanh liêm chính. VBIN là nỗ lực mang tính tập thể của cộng đồng DN hướng tới đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, áp dụng kinh doanh liêm chính và thực tiễn, mô hình kinh doanh tốt. Qua đó cải thiện chất lượng quản trị DN, bảo dảm tính cạnh tranh và bền vững của DN Việt Nam.
VCCI khởi xướng ý tưởng Đề án Mạng lưới DN kinh doanh liêm chính Việt Nam.
Đề án bao gồm các khóa đào tạo về liêm chính như chính sách DN, đào tạo nhà lãnh đạo, quản lý và nhân viên. Tư vấn, giới thiệu về liêm chính như là một phần của chính sách DN hoặc xây dựng chiến lược hoặc uy tín. Có thể là các sản phẩm, dịch vụ mang lại lợi ích tức thời cho VBIN nhờ kinh nghiệm và chuyên môn của VCCI với vai trò là người dẫn dắt mạng lưới.
Chia sẻ lý do khởi xướng thực hiện đề án, bà Đinh Thị Bích Xuân - Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SDforB), VCCI cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, kinh doanh liêm chính đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, là điều kiện không thể thiếu để DN tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khó tính.
Việt Nam đã tham gia ký kết thành công 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó các điều khoản về minh bạch, nguồn gốc xuất xứ hay tuân thủ, và thậm chí là kinh doanh có trách nhiệm rất được đề cao và chú trọng. Nhiều DN đã nhận thức rõ rằng nếu muốn nhận được những đơn hàng, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong những điều kiện do các nhãn hàng đưa ra, DN phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tuân thủ, cam kết kinh doanh có trách nhiệm. Nếu không đạt được điều này thì DN sẽ mất cơ hội kinh doanh.
Gần đây, nhiều động thái mạnh mẽ từ Chính phủ thông qua xử lý các đại án DN tiếp tay cho tham nhũng và hối lộ. Thực tế cho thấy DN không chỉ là nạn nhân mà còn tiếp tay cho các hoạt động tham nhũng, gây cản trở cho tiến trình phát triển của chính DN, khiến môi trường kinh doanh bị bóp méo, tác động tiêu cực đến các DN khác.
Bên cạnh đó, các DN cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng kinh doanh liêm chính vì nhận thấy sự cần thiết phải kinh doanh có trách nhiệm để phát triển bền vững.
Mục tiêu của VBIN là nâng cao nhận thức của cộng đồng DN Việt Nam (bao gồm DN trong nước và DN nước ngoài) về kinh doanh liêm chính trong các hoạt động kinh tế nhằm hướng tới phát triển bền vững. Thúc đẩy hành động của các nhà lãnh đạo DN về các nguyên tắc và thực tiễn kinh doanh liêm chính, áp dụng các thực tiễn tốt vào hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời tăng cường sự tham gia của nhiều bên (gồm DN, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ, cơ quan chính phủ) để thu hút đối thoại chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và giảm thiểu các nguy cơ làm gia tăng gian lận, tham nhũng trong kinh doanh.
Với mong muốn giúp đề án sớm thành hiện thức và được thành lập, VCCI đang kêu gọi sự ủng hộ của cộng động DN cũng như các cá nhân về mục tiêu và ý nghĩa của Đề án VBIN. Theo đó, VCCI gửi mẫu thư bày tỏ ủng hộ tới các DN và cá nhân quan tâm đến đề án.
Theo bà Đinh Thị Bích Xuân, VCCI cần thu thập được các thư bày tỏ ủng hộ của cộng động DN về mục tiêu và ý nghĩa của đề án VBIN. Với số lượng thư ủng hộ nhận được sẽ giúp VCCI có đủ điểu kiện và căn cứ trình đề xuất ý tưởng lên Cơ quan chính phủ về việc cho phép thành lập.