Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và BIM Energy đã ký kết thành công gói tài chính trị giá 107 triệu USD nhằm hỗ trợ vận hành dự án điện gió quy mô 88MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Dự án ước tính sẽ giảm phát thải 215.000 tấn CO2 mỗi năm, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải ròng.
Cụ thể, khoản tài chính này bao gồm 25 triệu USD từ Quỹ nguồn vốn vay thông thường (OCR) của ADB và 82 triệu USD do ADB thu xếp từ khoản cho vay đối ứng (parallel loan). Khoản cho vay đối ứng này gồm 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); 13 USD từ Hong Kong Mortgage Corporation Limited
(HKMC); 18 triệu USD từ Ngân hàng ING; 17 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui; và 9 triệu USD từ Ngân hàng Cathay United Bank. Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là một trong hai chiến lược trụ cột chính của ADB đối với Việt Nam giai đoạn 2023–2026. Cùng với sự kiện trở thành quốc gia thứ ba đồng ý triển khai Chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với một loạt các quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu ngày 14/12 vừa qua, Việt Nam đang từng bước triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Ngoài khoản tài trợ tài chính 107 triệu USD, Dự án Điện gió BIM cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu do Goldman Sachs và Bloomberg Philanthropies tài trợ và do ADB quản lý. Khoản hỗ trợ không hoàn lại này được sử dụng cho các sáng kiến liên quan đến các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội.
BIM Group là ai?
Theo thông tin từ website của doanh nghiệp này thì ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group) thành lập năm 1994 do ông Đoàn Quốc Việt sinh năm 1955 làm Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật.
Đến thời điểm hiện tại, BIM Group đã có 27 năm hình thành và phát triển. Thông tin giới thiệu được đăng tải trên bimgroup.com nhấn mạnh: " BIM Group tập đoàn kinh tế đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam. BIM Group tự hào là tập đoàn tạo ra những sản phẩm mang tính tiên phong, sánh ngang tầm quốc tế trong các lĩnh vực mà BIM Group đầu tư".
Lĩnh vực đầu tư của BIM Group bao gồm Phát triển du lịch và đầu tư bất động sản, Dịch vụ thương mại, Năng lượng tái tạo và Nông nghiệp thực phẩm.
Tại mảng bất động sản, BIM Group thành lập Công ty Bất động sản BIM Land. BIM Land, thuộc Top 10 công ty Bất động sản lớn nhất Việt Nam.
BIM Land quy hoạch và phát triển vùng đất hoang sơ thành những khu đô thị du lịch, khu phức hợp du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế, ở đó quy tụ những thương hiệu nghỉ dưỡng, tổ hợp vui chơi và giải trí đẳng cấp quốc tế.
BIM Land linh hoạt phát triển các sản phẩm, từ tổ hợp căn hộ cao tầng, biệt thự nhà phố, đến các khu nghỉ dưỡng và biệt thự biển nguy nga, sang trọng... phù hợp nhu cầu phát triển của thị trường và đặc thù của từng điểm đến.
Với quỹ đất hơn 5,6 triệu m2 tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Ninh Thuận và vẫn đang tiếp tục mở rộng đến các thành phố và điểm đến du lịch tiềm năng, BIM Land là một trong những công ty phát triển hạ tầng du lịch và đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Trong năm nay, BIM Land đưa vào vận hành các dự án đã hoàn thành như khu nghỉ dưỡng 6 sao Regent Phu Quoc, khu nghỉ dưỡng cao cấp Sailing Club Signature Resort Phu Quoc, tòa căn hộ khách sạn Citadines Marina Halong. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục ra mắt các dự án mới tại Hạ Long và Vĩnh Phúc.
Trong lĩnh vực Nông Nghiệp Thực Phẩm, BIM Group bắt tay với những đối tác danh tiếng, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, từ đó tạo ra những dự án năng lượng tầm cỡ khu vực, những sản phẩm sạch chất lượng cao, cải thiện môi trường sống.
BIM Food - doanh nghiệp nông nghiệp - thực phẩm thuộc hệ sinh thanh BIM Group được đánh giá là nhà nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu tại Việt Nam, với tổng sản lượng tối đa có thể đạt hơn 20 nghìn tấn/năm, đồng thời sở hữu cánh đồng muối rộng nhất Đông Nam Á tại Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận, với diện tích hơn 2.200ha.
Trong một bài viết năm 2020, tạp chí Forbes Việt Nam có đoạn: "Sản xuất muối là một mảng hoạt động khác của BIM Group có “số má” trên thị trường, khi chiếm 60-70% sản lượng muối công nghiệp của Việt Nam. Từ năm 2006, công ty bắt đầu sản xuất theo mô hình công nghiệp trên cánh đồng muối rộng 2.500 héc ta tại Ninh Thuận. Ông Việt, cựu sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng phương tiện cơ giới vào ngành sản xuất truyền thống để có thể cung cấp 350.000 tấn muối sạch mỗi năm".
Về lĩnh vực dịch vụ - thương mại, BIM Lifestyle phát triển các sản phẩm dịch vụ cao cấp, tân tiến. BIM Lifestyle sở hữu chuỗi phòng tập cao cấp Elite Fitness & Elite Active cùng với đó là chuỗi nhà hàng Zpizza mang đậm phong cách Mỹ.
Về Năng Lượng Tái Tạo, BIM Energy Holding định hướng trở thành nhà đầu tư tiên phong hàng đầu về năng lượng tái tạo tại Việt Nam.Trong năm 2018, BIM Energy đã tiến hành khởi công và tiến hành xây dựng các dự án Điện mặt trời với Tổng công suất lên tới 330MW, dự kiến mang lại sản lượng điện hàng năm lên đến 545 triệu kWh.
Năm 2019-2020, BIM Group đã đấu nối ba dự án năng lượng mặt trời tổng công suất 404 MW vào lưới điện quốc gia. Với gần 500 MW điện năng, BIM Group là một trong những nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất hiện nay và các dự án luôn đúng tiến độ. Mục tiêu dài hạn của BIM Energy là phát triển ít nhất 1.000 MW năng lượng sạch (Điện gió và Điện mặt trời) tới năm 2025.
BIM Group kinh doanh ra sao?
BIM Group đã tái cấu trúc tập đoàn vào năm 2018. Tháng 7/2018, công ty tăng vốn lên 3.150 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty vào năm 2018 là 6.342 tỷ đồng. Trong năm này, BIM không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tuy nhiên nhờ doanh thu tài chính rất lớn, đạt 1.149 tỷ đồng, công ty báo lãi sau thuế hơn 1.140 tỷ đồng.
Tháng 8/2019, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành cụm dự án điện mặt trời 330 MW có tổng vốn đầu tư lên tới 7.000 tỷ đồng tại Ninh Thuận. Đây là dự án mà BIM Group hợp tác đầu tư với AC Energy thuộc Ayala (Philppines).
Trong năm, doanh thu thuần đạt 20 tỷ đồng, song giá vốn bằng đúng doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp bằng 0. Doanh thu tài chính vẫn là chủ lực với 799 tỷ đồng, đóng góp toàn bộ cho lợi nhuận sau thuế 785 tỷ đồng. Tuy nhiên có thể thấy so với năm trước, doanh thu tài chính năm 2019 đã giảm 30% và lợi nhuận sau thuế giảm 31%. Vốn chủ sở hữu đạt 5.129 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến 1.979 tỷ đồng.
Đến năm 2020, doanh thu thuần công ty đạt 7.657 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty cũng tăng lên hơn 2.061 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, doanh thu thuần từ bốn lĩnh vực kinh doanh của BIM Group đạt mức hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản và khách sạn đem về khoản doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng, tiếp đến là năng lượng có doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính đem về hơn 300 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính trong năm của Bim Group bất ngờ ngốn tới gần 1.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, Bim Group có khoản lợi nhuận trong năm đạt mức 2.631 tỷ đồng tăng trưởng 23,5 % so với đầu năm.
Tổng tài sản của BIM Group tính đến hết năm 2021 đạt mức 40.586 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, tổng vay nợ tài chính của BIM Group ở mức 16.955 tỷ đồng. Trong số nợ vay, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tới hơn 79% đạt mức 13.449 tỷ đồng.
Thảo BT3