GDP tăng 8,02%
Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 sáng 29/12 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%.
Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp hơn 38,2%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp hơn 56,6%.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 tại họp báo.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%; ngành thủy sản tăng 4,43%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
Xuất siêu 11,2 tỷ USD
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Trong khi đó, 143,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%).
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy, có 66,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so với quý III/2022, 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng, vận tải, du lịch năm 2022 khôi phục mạnh mẽ khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Tính chung năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm trước. Vận chuyển hành khách tăng 52,8% và luân chuyển tăng 78,3% so với năm trước. Vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 29,4% so với năm trước. Khách quốc tế đến nước ta đạt 3,66 triệu lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
"Năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi nhanh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cùng với tác động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đã đẩy giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý IV và năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.