Giá vàng hôm nay 6/1: Giá vàng hụt hơi, xuống dốc không phanh trước rủi ro suy thoái, Nga bất ngờ tăng gấp đôi giới hạn nắm giữ vàng và Nhân dân tệ

Giá vàng hôm nay 6/1 giảm mạnh, từ đỉnh cao 7 tháng tụt xuống mức thấp mới hàng ngày, khi thị trường lao động Mỹ bất ngờ tốt hơn dự kiến trong tháng 12.

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 6/1

Giá vàng thế giới giảm mạnh sau khi Báo cáo Việc làm quốc gia của ADP được công bố, cho thấy số lượng việc làm tăng tốt hơn dự kiến trong tháng 12, dù đồng USD yếu. Trước đó, vàng đã lên cao nhất gần 7 tháng trong phiên ngày 4/1. Giới đầu tư đã chờ đợi dữ liệu việc làm, bởi đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.

Bảng lương tư nhân đã tăng 235.000 vào tháng trước, ADP cho biết. Thị trường trước đó chỉ dự đoán mức tăng 150.000, sau khi dữ liệu của tháng 11 chứng kiến ​​sự gia tăng của 127.000 việc làm.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed được công bố hôm 4/1 cho thấy tất cả quan chức đều nhất trí rằng, Fed nên giảm tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ. Vàng đã có một khởi đầu tốt trong năm nay, được hỗ trợ bởi đồng USD yếu và kỳ vọng rằng Fed có thể giảm tốc độ nâng lãi suất. Rủi ro suy thoái và hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương đã hỗ trợ giá kim loại quý

Ghi nhận của TG&VN lúc 22h15 ngày 5/1, giá vàng thế giới giảm mạnh 21,8 USD/ounce (1,18%) so với phiên liền trước, giao dịch trên sàn Kitco ở mức 1.833,10 - 1.834,10 USD/ounce. Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng Hai được ghi nhận lần cuối ở mức 1.847,68 USD, giảm 0,60% trong ngày.

Giá vàng trong nước cuối phiên giao dịch chiều qua 5/1, tiếp tục giảm nhiều hơn vào cuối phiên, với mức giảm trong khoảng 50.000 - 250.000 đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay 6/1: Giá vàng dsfjsl. (Nguồn: Kitco)
Giá vàng hôm nay 6/1, hụt hơn, xuống dốc không phanh trước rủi ro suy thoái, Nga bất ngờ tăng gấp đôi giới hạn nắm giữ vàng và Nhân dân tệ. (Nguồn: Kitco)

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên chiều 5/1:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,20 – 67,02 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,20 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,15 – 67,05 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,30 – 67,20 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,17 – 67,00 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,46 – 54,31 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,15 – 54,15 triệu đồng/lượng.

Nga tăng gấp đôi giới hạn nắm giữ vàng và Nhân dân tệ

Rủi ro suy thoái và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương cũng sẽ hỗ trợ thị trường vàng trong năm nay. “Nếu dữ liệu việc làm phản ánh, việc tăng lãi suất đã gây thiệt hại cho nền kinh tế, thì đồng USD có thể suy yếu hơn nữa và có lợi cho vàng”. Vàng được coi là một hàng rào chống lại lạm phát và những bất ổn kinh tế, nhưng lãi suất cao hơn có xu hướng đè nặng lên vàng, vốn không sinh lời.

Bộ Tài chính Nga cho biết, nước này vừa tăng gấp đôi giới hạn nắm giữ vàng và Nhân dân tệ trong Quỹ Tài sản quốc gia (NWF). Giới hạn nắm giữ tối đa mới được đặt ở mức 40% đối với vàng và 60% đối với nhân dân tệ. Các giới hạn trước đây lần lượt chỉ là 20% và 30%. Lý do sửa đổi tăng lên là "để đảm bảo tính linh hoạt", theo tuyên bố của Bộ Tài chính Nga.

"Để đảm bảo tính linh hoạt khi đầu tư quỹ NWF, tỷ lệ tối thiểu của mỗi tài sản trong cấu trúc mới có thể bằng 0 và tỷ lệ tối đa được giới hạn như sau: Nhân dân tệ của Trung Quốc - 60% … vàng - 40%", Bộ trên cho biết.

NWF nắm giữ nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Tổng giá trị của nó là 186,5 tỷ USD và được tạo ra để giúp hỗ trợ hệ thống lương hưu. Nhiệm vụ chính của Quỹ là “đồng tài trợ cho các khoản tiết kiệm lương hưu tự nguyện của công dân Nga và cân đối ngân sách của Quỹ Hưu trí Liên bang Nga”.

Thông tin từ Bộ Tài Chính Nga cho biết thêm, các tài khoản bằng Bảng Anh, Yên Nhật tại Ngân hàng Trung ương đều đã giảm xuống bằng 0.

Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov tuyên bố, trong số tất cả các loại tiền tệ "thân thiện", đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có đặc tính "dự trữ" tốt nhất và có "đủ thanh khoản" trên thị trường ngoại hối của Nga. "Việc bổ sung cho Quỹ NWF sẽ được thực hiện bằng loại tiền này" một cách thường xuyên, ông Siluanov cho biết.

Tài sản của Quỹ này bằng đồng Euro, Bảng Anh và Yên Nhật đều đã bị đóng băng sau khi lệnh trừng phạt được đưa ra đối với Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine, từ tháng 2/2022.

Khoảng một năm rưỡi trước, NWF đã bỏ tất cả tài sản bằng USD và tăng nắm giữ vàng, Euro và Nhân dân tệ. Tỷ lệ nắm giữ USD của NWF đã giảm từ 35% xuống 0% vào tháng 7/2021. Vào thời điểm đó, tỷ lệ nắm giữ vàng của quỹ là 20,2%.

Bộ Tài chính Nga cho biết, động thái phi USD hóa nhằm đảm bảo "sự an toàn của các quỹ NWF trong bối cảnh các xu hướng kinh tế vĩ mô và địa chính trị trong những năm gần đây, cũng như các quyết định nhằm 'phi USD hóa' nền kinh tế Nga" trước đây.

Minh Anh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/gia-vang-hom-nay-61-gia-vang-hut-hoi-xuong-doc-khong-phanh-truoc-rui-ro-suy-thoai-nga-bat-ngo-tang-gap-doi-gioi-han-nam-giu-vang-va-nhan-dan-te-a81342.html