Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 10/1
Giá vàng thế giới và trong nước diễn biến trái chiều.
Giá vàng trong nước mở cửa phiên giao dịch đầu tuần sáng 9/1, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,45 - 67,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,45 – 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng SJC niêm yết ở thị trường Hà Nội là 66,2 - 67,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng châu Á nới rộng đà tăng lên mức cao của 8 tháng trong phiên 9/1 trong bối cảnh đồng USD suy yếu khiến kim loại quý được giao dịch bằng đồng tiền này rẻ hơn cho người mua nước ngoài.
Nhà đầu tư đặt cược vào chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2023.
Chiều 9/1, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.880,33 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 9/5/2022. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,7% lên 1.883,60 USD/ounce.
Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, thời điểm 20h13’ ngày 9/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn Kitco tại 1.873,2 – 1874,2 USD/ounce, tăng 7,5 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó.
Khủng hoảng năng lượng: Xung đột ở Ukraine, phương Tây trừng phạt Nga và giải pháp ‘rốt ráo’ của Trung QuốcKhủng hoảng năng lượng: Xung đột ở Ukraine, phương Tây trừng phạt Nga và giải pháp ‘rốt ráo’ của Trung Quốc
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 9/1:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,0– 66,8 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,0 – 67,0 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,2 – 67,0 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,0 – 66,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 62,22 – 66,98 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,56 – 54,41 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,25 – 54,25 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với đầu giờ sáng 9/1, giá vàng SJC chiều cùng ngày tại thị trường Hà Nội đã quay đầu giảm 450.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 470.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 9/1, 1 USD = 23.620 VND, giá vàng thế giới tương đương 53,33 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 13,47 triệu đồng/lượng.
Vàng tăng phi mã
Giá vàng thế giới đạt mức cao nhất trong 8 tháng khi thị trường đặt cược vào việc Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất khiến giá trị đồng USD giảm.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng cổ vũ người tiêu dùng vàng trong bối cảnh Trung Quốc - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới mở cửa trở lại.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.871,84 USD/ounce vào lúc 11h55 GMT, gần với mức cao nhất kể từ ngày 9/5/2022. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,3% lên 1.875,90 USD.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết, đồng USD yếu hơn có thể là yếu tố chính nâng giá vàng và các nhà đầu tư cũng bắt đầu tăng dần tỷ lệ nắm giữ kim loại quý của họ trong các quỹ ETF. Điều này cho thấy tâm lý tích cực đối với vàng.
Trong khi đó, chiến lược gia Christopher Wong của OCBC FX cho biết: “Dữ liệu cho thấy rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed vào năm 2022 đang bắt đầu có tác động đối với nền kinh tế và ngân hàng trung ương Mỹ có đủ khả năng để làm chậm tốc độ tăng lãi suất của mình”.
Chuyên gia Wong cho hay, số liệu về giá tiêu dùng trong tuần này sẽ là yếu tố then chốt. Nếu sức ép giá tiếp tục giảm sẽ giúp làm tăng sức hấp dẫn của vàng khi đồng USD vẫn đang chịu áp lực. Ngược lại, nếu chỉ số giá tiêu dùng bất ngờ tăng, tâm lý trên thị trường sẽ bị đảo ngược.
Các nhà giao dịch sẽ đánh giá bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một hội nghị ngân hàng trung ương ở Stockholm vào ngày 10/1 (theo giờ địa phương) và dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 12/2022 sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết trong một lưu ý: “Về cơ bản, chúng tôi tin rằng giá vàng đang giao dịch ở mức cao nhất của một phạm vi hợp lý”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Staunovo của UBS cho biết, mặc dù việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới có thể hỗ trợ nhu cầu trang sức ở một mức độ nào đó, nhưng tác động tổng thể đối với thị trường vàng có thể bị hạn chế.
Trong khi đó, trong một bài viết mới đây trên The Economic Times, tác giả nhận định, vàng đã có một khởi đầu năm 2023 đầy kịch tính. Giá kim loại quý này chạm mức cao nhất trong hơn 6 tháng trước khi lao dốc vào ngày 5/1 do dữ liệu về số lượng việc làm tăng mạnh ở Mỹ và biên bản cuộc họp của Fed.
Tác giả cho rằng, vàng sẽ phải đối mặt một số áp lực sau động thái tăng giá mới đây, vốn được thúc đẩy bởi thị trường đặt cược vào việc Fed trở nên “ôn hòa” hơn.
Theo bài viết, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể là một lợi ích đối với vàng khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, nhưng vẫn có nguy cơ cho thấy các nhà đầu tư đang đánh giá thấp nỗ lực của Fed để đè bẹp lạm phát.
Dữ liệu lạm phát mạnh hơn mong đợi từ nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây thêm áp lực lên kim loại quý. Điều đó bắt đầu với số liệu thất nghiệp sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Sáu (13/1) với các ước tính chỉ ra sự sụt giảm về số lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng 12 năm ngoái.
Nam Hải (t/h)