Kiến nghị bỏ quy định "đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn"

Bộ Công Thương cho rằng quy định "đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn" là phù hợp với Luật Thương mại và quyền và nghĩa vụ của đại lý. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng như doanh nghiệp cho rằng, quy định này không phù hợp, triệt tiêu sự cạnh tranh, gây ra nhiều hệ lụy...

"Đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn"
 
Hiện Bộ Công Thương đang xin ý kiến các bộ, ngành về Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Trong tờ trình dự thảo nghị định, Bộ Công Thương đã bày tỏ quan điểm về 11 vấn đề, trong đó có đề cập đến quy định các đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn.
 
Dẫn quy định tại Luật Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đại lý là đơn vị được bên giao đại lý giao hàng để bán theo giá của đơn vị giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá bán hàng hóa tại các đại lý.
 
Mặt hàng xăng, dầu là hàng hóa ở thể lỏng, được chứa đựng chung tại bồn, bể, nên nếu cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không kiểm soát và nắm được đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng, giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng và không bảo đảm sự thống với quy định nêu trên của Luật Thương mại.
 
Theo quy định hiện hành, các đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn.
 
Do đó, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn. Nội dung này hiện được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
 
Bộ Công Thương lý giải, trường hợp cho phép đại lý lấy từ nhiều nguồn, khi có tình trạng khó khăn về nguồn cung như thời gian vừa qua có thể xảy ra tình trạng không đơn vị nào chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ của đại lý (tương tự như đối với các thương nhân phân phối hiện nay).
 
Với những lý do đó, Bộ Công Thương cho rằng, nên quy định đại lý chỉ được lấy từ một nguồn nhằm phù hợp với Luật Thương mại và quyền và nghĩa vụ của đại lý, theo đó đại lý là đơn vị bán hàng cho bên giao đại lý theo giá do bên giao đại lý quyết định và hưởng hoa hồng. Nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, đại lý không có quyền quyết định giá bán và không biết bán theo giá của đơn vị nào.
 
Nguy cơ triệt tiêu sự cạnh tranh, gây ra nhiều hệ lụy
 
Tuy nhiên, trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, chuyên gia xăng dầu Nguyễn Á Phi cho rằng, quy định các đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn là không phù hợp, cần thiết phải bỏ quy định này.
 
Chuyên gia lý giải, hiện một số ít "ông lớn" cung cấp 70 - 80% thị phần xăng dầu cho thị trường. Với quy định hiện nay về việc đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn, các "ông lớn" này đương nhiên ở thế độc quyền.
 
Theo thông lệ quốc tế vẫn có các đại lý độc quyền, nhưng có các ưu đãi hơn các đại lý không độc quyền như về chiết khấu hoa hồng, vùng lãnh thổ phân phối. Còn theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 hiện nay, vẫn còn mập mờ giữa đại lý độc quyền và không độc quyền.
 
Chuyên gia xăng dầu Nguyễn Á Phi.
 
Về chất lượng xăng dầu, với các DN có giấy phép nhập khẩu, tất cả các sản phẩm nhập đề đều được đăng ký và trước khi đưa ra thị trường có thủ tục hợp quy sản phẩm, được Tổng cục Đo lường chất lượng xác nhận là đúng. Trong quá trình tồn chứa, vận chuyển nếu chất lượng xăng dầu biến đổi thì DN phải chịu trách nhiệm. DN đầu mối đăng ký nhập khẩu thì đương nhiên về mặt lý thuyết, chứng từ phải đạt tiêu chuẩn hàng hóa thì DN mới được nhập khẩu.
 
Khi xăng dầu về đến kho đầu mối, có 2 quá trình có thể làm biến đổi chất lượng sản phẩm. Một là quá trình tồn chứa, ví dụ bể chứa không sạch, lẫn các loại dầu khác hoặc các tạp chất và rửa không sạch. Hai là trong quá trình vận tải, chẳng hạn đổ dầu vào xe téc, lái xe đi đường rút một ít trộn dầu không đảm bảo chất lượng vào.
 
Chất lượng xăng dầu tại các điểm cuối cùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên cũng không thể quy trách nhiệm tất cả cho đơn vị đầu mối. Về mặt lý thuyết, các đầu mối phải đảm bảo chất lượng xăng dầu. Còn trong quá trình tồn chứa và vận tải, Tổng cục Đo lường chất lượng đã có Thông tư 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Theo quy định của Thông tư 15, Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý rất chặt quá trình này. Do đó, về mặt pháp lý có thể phân biệt rất rõ trách nhiệm và người bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
 
"Bộ Công Thương cũng có lý khi giải thích về quy định liên quan đến chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, để lấy hàng từ nhiều nguồn, quy định cần phải bổ sung thêm nội dung: các đại lý phải tự chịu trách chất lượng trước các cơ quan chức năng vì khi đó sẽ không quy trách nhiệm cho doanh nghiệp đầu mối được", chuyên gia Nguyễn Á Phi khuyến nghị.
 
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Nhã - đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội) cho rằng, quy định các đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn dẫn đến triệt tiêu sự cạnh tranh.
 
"Nghị định 83/CP qui định mỗi cây xăng chỉ được phép mua hàng của một nguồn với lý do để dễ dàng quy trách nhiệm cho từng công đoạn trong khâu phân phối là chưa có sức thuyết phục, bởi không cần quy định này vẫn có thể quản lý chất lượng xăng dầu", bà Lê Thị Nhã nói.
 
Ví dụ, bên B mua hàng của bên A từ tổng kho xăng dầu của bên A sẽ xảy ra 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất: phương tiện vận tải của bên B, khi đó quyền và nghĩa vụ trách nhiệm của cây xăng được xác định khi phương tiện vận tải đi qua cổng của tổng kho bên A, hai bên sẽ bàn giao chai mẫu có niêm phong khi xăng dầu được bơm rót vào phương tiện vận tải của bên B. Trong quá trình bán hàng của bên B, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đối chiếu chất lượng hàng tồn trong kho bên B với mẫu xăng dầu đựng trong chai để quy trách nhiệm cho bên B hay bên A.
 
Trường hợp thứ hai: phương tiện của bên bán là bên A, khi đó chai mẫu xăng dầu được lấy tại phương tiện vận tải của bên A trước khi đổ xuống bể chứa của bên B. Trong quá trình bán hàng của bên B, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đối chiếu chất lượng hàng tồn trong kho bên B với mẫu xăng dầu đựng trong chai để quy trách nhiệm cho bên B hay bên A.
 
Nếu giải pháp này được thực hiện thì mỗi đơn vị kinh doanh xăng dầu mua hàng từ 1 nguồn hay nhiều nguồn để vẫn có thể kiểm soát được chất lượng và quy được trách nhiệm cho từng bên.
 
Xăng dầu là hàng hóa nên cần tuân theo quy luật thị trường một cách khách quan, càng không nên đưa ra các quy định độc quyền đầu vào nhằm thủ tiêu cạnh tranh, bởi sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.
 
Nghị định 83/NĐ-CP/2014 và 95/NĐ-CP/2021 hiện nay đang quy định mỗi đại lý bán lẻ xăng dầu tại một thời điểm chỉ được mua hàng của 1 đơn vị cung cấp. Nếu muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đến Sở Công thương để đổi giấy phép. Trong khi đó, mỗi lần thay đổi giấy phép, doanh nghiệp phải làm rất nhiều thủ tục, rất mất thời gian, công sức và tiền bạc. Đồng thời cây xăng sẽ phải ngừng bán hàng một thời gian kể từ khi ký thanh lý với bên bán cũ để chuyển sang bên bán mới.
 
"Việc độc quyền đầu vào cũng làm cho bên đầu mối luôn chèn ép đại lý về giá, điều kiện giao hàng... Do đó, chúng tôi kiến nghị bỏ quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một đầu mối", bà Lê Thị Nhã nói.

Nguyệt Minh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/kien-nghi-bo-quy-dinh-dai-ly-ban-le-xang-dau-chi-duoc-lay-hang-tu-mot-nguon-a82057.html