Quản lý tiền lì xì của con - việc tuy nhỏ nhưng thực tế có thể gây tâm trạng ấm ức cho trẻ nhỏ hay không hài lòng của người lớn nếu không được xử lý khéo léo.
Làm sao để tránh những "mâu thuẫn mất vui" này trong dịp đầu năm và nhân đây dạy con về quản lý tài chính, về những kỹ năng và giá trị sống vượt lên trên giá trị đơn thuần của tiền bạc là vấn đề mà nhiều gia đình quan tâm.
Bố mẹ ứng xử với tiền lì xì của con như thế nào?
Lì xì là phong tục đẹp đầu năm, gửi gắm những hy vọng và lời chúc may mắn, tốt đẹp sẽ đến với người nhận. Tuy vậy, đối với nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, đây cũng là một khoản chi khá lớn, có khi mất cả tháng lương làm lụng vất vả.
Chị Nguyễn Thị Ánh, huyện Đông Anh, Hà Nội tâm sự: "Mình đã giải thích cho con rằng tiền mừng tuổi con nhận được chính là số tiền mà bố mẹ đã bỏ ra mừng tuổi cho con của người khác. Vì vậy con cần đưa lại tiền này cho mẹ giữ và chi tiêu các khoản trong gia đình. Thế nhưng con bé ấm ức, khóc oà lên. Đầu năm đã ỉ ôi khóc lóc như thế thật sự cảm thấy mất vui vô cùng".
Cũng có những gia đình thì quan niệm rằng, con còn nhỏ giữ môt khoản tiền lớn thì không an toàn, nhưng con lại con dỗi dằn, khóc lóc hoặc dở những chiêu "khó đỡ" khiến bố mẹ bực bội.
Anh Nguyễn Đình Dũng, ở TP.HCM chia sẻ: "Có những người mừng con mình tới 500.000 – 1 triệu đồng, trong khi con còn quá bé chưa hiểu được giá trị của đồng tiền. Con bé chỉ nghĩ rằng có tiền này thì có thể mua món đồ chơi mà không cần phải xin bố mẹ. Vì vậy mà con cứ nhất định cứ ôm khư khư lấy mấy phong bao lì xì không chịu rời kể cả khi đi vệ sinh hay đi ngủ. Vợ chồng mình vừa bực vừa buồn cười mà không biết xử lý thế nào".
Chắc hẳn không ít gia đình gặp phải những tình huống này mỗi ngày Tết đến. Con thì cho rằng tiền lì xì là của mình nên phải được giữ, nhưng bố mẹ thì cũng có rất nhiều lý do chính đáng để "tịch thu".
Theo chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh, việc cho con giữ tiền lì xì hay không, bố mẹ nên cân nhắc sao cho phù hợp với độ tuổi và các kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc quản lý tài chính của con. Khi con còn quá nhỏ, bố mẹ nên giữ tiền lì xì giúp. Ở giai đoạn này trẻ chưa có khái niệm về giá trị của tiền, có thể vứt bừa bãi, đánh rơi, đánh mất… Thậm chí có thể gặp phải các tình huống không an toàn khi trẻ nhỏ mang theo bên mình nhiều tiền mà không có sự giám sát của bố mẹ.
Khi trẻ lớn hơn, khoảng 7-8 tuổi trở lên thì bố mẹ có thể để con giữ tiền lì xì của mình, đồng thời hướng dẫn cho con học cách phân bổ và chi tiêu sao cho hợp lý".
Trong trường hợp con liên tục đòi tiền thì sao? Theo chuyên gia Liên Anh, tình huống này cũng không phải là hiếm gặp, khiến nhiều bố mẹ đau đầu. "Anh bạn tôi chia sẻ "Em phát ngại khi khách đến chơi vừa rút bao lì xì ra thì ông con trai bảo con không nhận đâu, vì đằng nào bố mẹ con chẳng tịch thu mất". Có cô bạn thì kể chuyện cười ra nước mắt khi con nói với khách "Bác cứ lì xì luôn cho mẹ con cũng được ạ, vì mẹ con không cho con giữ tiền này đâu!".
Những tình huống này xảy ra thường vì bố mẹ coi việc thu lại tiền mừng tuổi của con là điều hiển nhiên và "con nít biết gì" nên không có sự trao đổi, giải thích để con hiểu.
Bố mẹ lưu ý, khi giữ giúp con tiền lì xì thì cần nói chuyện để con hiểu và đạt được sự đồng thuận. Nếu con còn bé, hãy mua cho bé 1 bạn heo đất thật to và nói rằng "Đây là bạn heo đất của con, bố mẹ giữ hộ và sẽ trả lại con khi heo no căng nhé!". Những câu nói, hành động đơn giản như thế có thể "xoa dịu" tâm trạng của con thật hiệu quả. Dù con còn rất bé, bố mẹ vẫn nên thể hiện sự tôn trọng và cho con được tham gia vào các quyết định liên quan đến những thứ thuộc sở hữu của con.
Quan trọng hơn, bố mẹ nên giải thích cho con về ý nghĩa của tiền lì xì cũng như giá trị của đồng tiền. Bố mẹ nên giúp con hiểu rằng, những đồng tiền lì xì con nhận được là rất quý giá vì nó chính là kết tinh của những giờ lao động chăm chỉ, vất vả của người tặng. Vì vậy, tiền này cần phải được chi tiêu tiết kiệm, hợp lý.
Khi đã hiểu thì trẻ sẽ không nằng nặc đòi tiền hay khóc lóc ủ ê vì cho rằng bố mẹ đã tịch thu mất "tài sản" của mình. Điều này cũng tránh cho bố mẹ nhiều tình huống khó xử, mất mặt nhiều phen và tâm trạng không vui ngày đầu năm mới", chuyên gia Liên Anh chia sẻ.
Quản lý tiền lì xì của con ra sao là hợp lý?
Chuyên gia mách nước cách quản lý tiền lì xì của con hiệu quả. "Hôm trước, cô cháu gái lớp 9 của tôi hớn hở khoe "Bác biết không, tiền tiết kiệm mừng tuổi từ bé tới giờ của con đã gần được một nửa chiếc xe máy mà con thích rồi đấy! Mẹ con bảo là nếu con tiết kiệm thêm thì tới khi đủ tuổi là con có thể mua chiếc xe mà con mơ ước".
Hỏi ra mới biết, mẹ cháu hướng dẫn cháu chia tiền mừng tuổi thành 4 phần: Tiền tiêu vặt, Tiền tiết kiệm, Tiền đầu tư và Tiền làm việc tốt. Thế là từ khi được tự cầm tiền, cô cháu gái đã học cách quản lý số tiền nho nhỏ của mình rất khoa học và hợp lý. Cô cháu phấn khởi ra mặt vì vẫn có chút tiền rủng rỉnh để thỉnh thoảng "ăn quà vặt" với bạn, vẫn tiết kiệm được tiền để dùng cho "việc lớn" mà cô bé ấp ủ. Nếu cô muốn tập tành "khởi nghiệp" như làm đồ handmade để bán ở hội chợ của trường… thì cũng có cơ hội để thử sức luôn nhờ vào quỹ "đầu tư". Và ý nghĩa hơn cả, cô bé có một khoản để quyên góp từ thiện và giúp đỡ những người có người khó khăn hơn mình.
Nguyên tắc "Bốn hũ tiền" này cũng chính là cách mà các chuyên gia khuyên áp dụng. Trẻ nhỏ rất thông minh và nhạy cảm, nếu được bố mẹ đồng hành, hướng dẫn cách phân bổ, sử dụng tiền lì xì đúng cách, các con sẽ học được những kỹ năng quan trọng cho cuộc sống sau này. Con được học về chi phí cơ hội, về chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, biết đặt mục tiêu và có kế hoạch tiết kiệm để thực hiện mục tiêu của mình. Quan trọng hơn cả, các con học được bài học về lòng biết ơn, trân trọng giá trị của lao động hàm chứa trong mỗi bao lì xì và biết sẻ chia sự may mắn của mình cho những người cần tới nó.
Số tiền lì xì tuy nhỏ, nhưng bài học nó mang lại thì thật là lớn. Mong rằng mỗi một bao lì xì đều được đón nhận và sử dụng đúng cách, để thông điệp yêu thương và tốt lành được lan toả tới mọi người và mọi nhà trong những ngày đầu năm mới này", chuyên gia Liên Anh bày tỏ.
Tào Nga
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/chuyen-gia-chi-cach-cha-me-thu-tien-li-xi-ma-con-van-cuoi-tit-mat-a84554.html