Công ty Cổ phần Phát triển đô thị (Becamex UDJ) được thành lập vào tháng 3/2007 với cổ đông lớn là Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC). Mang thương hiệu của “ông lớn” Becamex nhưng hiện tại Becamex UDJ lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như hàng tồn kho rất lớn, dòng tiền âm đến mức Công ty phải nợ lương người lao động.
“Núi nợ” tồn kho, chỉ có 6,6 tỷ đồng trong tài khoản
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Becamex UDJ mới được công bố, trong năm 2022, doanh thu công ty giảm nhẹ từ 110 tỷ đồng xuống chỉ còn 86,6 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 23,4 tỷ đồng (21,3%).
Do giá vốn hàng bán giảm sâu (từ 66 tỷ đồng xuống 43 tỷ đồng) và không phát sinh chi phí bán hàng nên dù doanh thu đi lùi, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Becamex UDJ vẫn đi ngang, đạt 31,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là hàng tồn kho của Becamex UDJ dù giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao thứ hai 7 năm. Tại ngày 31/12/2022, hàng tồn kho lên tới 380 tỷ đồng, chiếm 69% tổng tài sản.
Cùng với đó, các khoản phải thu ngắn hạn cũng rất cao, lên đến 116 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu này chiếm tới 90% tổng tài sản. Có thể thấy, phần lớn tài sản của công ty đang bị “mắc kẹt”.
Hàng tồn kho và các khoản phải thu quá lớn cho thấy tài sản của công ty không luân chuyển tốt, công ty rơi vào tình trạng âm nặng dòng tiền. Hồi cuối năm 2022, lưu chuyển tiền thuần trong năm là âm 20,9 tỷ đồng. Đồng thời, tiền mặt của Becamex UDJ còn rất ít. Chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền chỉ đạt 6,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 27,5 tỷ đồng hồi đầu năm.
Đây là thời điểm quỹ tiền của Becamex UDJ đứng ở mức thấp nhất. Hồi cuối năm 2020 và 2019, chỉ tiêu này đạt 17,9 tỷ đồng và 48,1 tỷ đồng.
Bị phạt vì kê sai thuế, vẫn nợ thuế, nợ lương người lao động
Không sở hữu “núi nợ” như nhiều đơn vị khác nhưng tại Becamex UDJ vẫn tồn tại tình trạng Nợ phải trả cao vượt trội so với vốn. Tại ngày 31/12/2022, Nợ phải trả của công ty là 305 tỷ đồng, cao gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 55,4% tổng nguồn vốn. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là Phải trả người bán ngắn hạn (180 tỷ đồng) và Người mua trả tiền trước ngắn hạn (103 tỷ đồng).
Thế nhưng, đáng chú ý hơn cả lại chính là hai khoản phải trả lại rất nhỏ bé. Đó là thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (1,6 tỷ đồng) và Phải trả người lao động (221 triệu đồng).
Cụ thể, trong 1,6 tỷ đồng nợ thuế, có tới 1,5 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Toàn bộ 221 triệu đồng là tiền lương còn phải trả cho người lao động. Tại thời điểm cuối năm 2022, công ty có 16 nhân sự. Như vậy, bình quân, công ty phải trả mỗi người 13,8 triệu đồng.
Đáng chú ý, trước đó, Becamex UDJ từng bị phạt vì kê khai sai thuế. Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Bình Dương phát hiện Becamex UDJ trong năm tài chính từ 2011 đến năm 2020 đã có hành vi khai sai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đó số thuế giá trị gia tăng phải (nộp tăng thêm) truy thu 1,35 tỷ đồng và ảnh hưởng đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải (nộp tăng thêm) là 55,4 triệu đồng.
Kết quả là Becamex UDJ bị phạt hành chính 732,3 triệu đồng. Trong đó, phạt kê khai sai là 293 triệu đồng, phạt tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng là 443,7 triệu đồng và tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 5,5 triệu đồng.
Ngày 2/3/2021, Becamex UDJ đã nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 vào ngân sách Nhà nước số tiền 55,4 triệu đồng và thuế giá trị gia tăng 1,35 tỷ đồng. Cùng với xu hướng chung của VN-Index, bức tranh tài chính kém lạc quan đã “nhấn chìm” cổ phiếu UDJ của Becamex UDJ. Hiện tại, cổ phiếu UDJ giao dịch quanh mức 9.000 đồng/CP, giảm 9.980 đồng/CP, tương đương 52,5% so với “đỉnh” thiết lập hồi cuối tháng 11/2021.
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/becamex-udj-chi-con-66-ty-dong-tien-mat-no-luong-nguoi-lao-dong-a86982.html