Vụ gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng thành mua bảo hiểm Manulife: Đã chuyển đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài Chính, lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa ký phiếu chuyển đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an). Phiếu chuyển liên quan phản ánh, tố cáo của người dân về vụ gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng thành mua bảo hiểm Manulife.
"Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định 31/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả tới Bộ Tài chính", phiếu chuyển đơn tố cáo nêu rõ.
Liên quan đến "cáo buộc" gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng thành mua bảo hiểm Manulife, trước đó Cục quản lý Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài Chính đã nhận được đơn tố cáo của nhiều người dân rằng, Công ty TNHH Manulife Việt Nam, bán bảo hiểm thông qua kênh đối tác là ngân hàng thương mại, có hành vi lừa dối khách hàng.
Cụ thể, Bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới đại lý bảo hiểm thông qua môi giới tại Ngân hàng đã lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch để lừa khách hàng ký hợp đồng Bảo hiểm sai với ý chí, mục đích gây thiệt hại cho nhiều người.
"Vấn đề này các cá nhân đều có đơn gửi tới Manulife nhưng không được giải quyết, trốn tránh, và hất trách nhiệm về phía khách hàng. Vì vậy chúng tôi có đơn tố cáo tới các Quý cơ quan kêu cứu về vấn đề này", đơn tố cáo viết.
Việc người dân "tố" gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng thành mua bảo hiểm Manulife, không phải là trường hợp hi hữu, bởi trên thực tế trong thời gian qua đã có nhiều phản ánh của khách hàng về việc đến ngân hàng T, ngân hàng S hay ngân hàng V,… gửi tiền tiết kiệm nhưng bị nhân viên ngân hàng lừa bán bảo hiểm nhân thọ.
Trước thực trạng trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống; xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng.
Từ vụ "tố" gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng thành mua bảo hiểm: "Soi" ngân hàng thu 'khủng" từ bảo hiểm
Thực tế, phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) được triển khai rộng rãi tại các nước tiên tiến trên thế giới, mang lại trên 60% doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, bancassurance cũng xuất hiện từ khá lâu, nhưng chỉ khi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014 về hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thì hình thức phân phối sản phẩm bảo hiểm này mới được pháp luật bảo vệ, tạo điều kiện phát triển.
Ngày 31/12/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 37/2019/TT- NHNN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm, giúp các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tham gia tích cực phân phối sản phẩm bảo hiểm, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm.
Đến nay, hoạt động bảo hiểm đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào nguồn thu ngân hàng trong năm 2022.
Thống kê của Dân Việt cho thấy, MBBank là ngân hàng có nguồn thu "khủng" nhất từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm với 10.185 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2021. Với số thu này, tỷ trong doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm trong tổng thu dịch vụ của của MB cũng theo đó tăng lên 71,5%, từ 68,1% của năm 2021.
Dù con số tuyệt đối thấp hơn nhiều so với MBBank, song thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tại VPBank đã ghi nhận mức tăng lên tới gần 42% trong năm 2021. Kết thúc năm 2022, kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về cho VPBank 3.354 tỷ đồng doanh thu – chiếm 32% tổng thu dịch vụ của nhà băng này.
Techcombank, VIB là 2 nhà băng có doanh thu liên quan đến hoạt động bảo hiểm lên tới nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank tăng 12,3% đạt hơn 1.750 tỷ đồng. Hoa hồng bảo hiểm VIB nhận được trong năm 2022 là 1.303 tỷ đồng.
Các ngân hàng khác như TPBank hay Seabank cũng đang ghi nhận nguồn thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm từ 5.33,6 tỷ đến 876,6 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng trưởng, PG Bank là nhà băng ghi nhận tốc độ tăng thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm cao nhất lên tới trên 300% trong năm 2022. Tiếp đến là SeAbank với 114%. Duy chỉ có TPBank trong thống kê của Dân Việt có số thu từ hoạt động này giảm 8% so với năm 2021.
Bancassurance được kỳ vọng chiếm khoảng 50% phí khai thác mới vào năm 2025. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chỉ ra rằng, đạo đức nghề nghiệp là một trong những rủi ro khi bảo hiểm phân phối qua ngân hàng. Vị chuyên gia này đề nghị, thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có hành lang pháp lý chi phối nghiệp vụ bancas, gồm cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt trong đó phải quy định rõ ràng hơn quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên có liên quan.
Huyền Anh