Doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất để bắt kịp yêu cầu của EU

Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đẩy mạnh các hoạt động yêu cầu phát triển bền vững, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng và kiểm soát thương mại từ các nước đối tác, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần dần chuyển đổi mô hình sản xuất bên cạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Những động thái mới
 
Kinh tế Liên minh Châu Âu (EU) năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn hơn năm 2022. Năm 2022, kinh tế EU tăng trưởng khoảng 2,2%. Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2023 kinh tế khu vực này chỉ tăng trưởng 0,5% nếu như tình hình lạm phát và khủng hoảng năng lượng còn kéo dài.
 
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, năm 2023 cũng đánh dấu về mặt chính trị của EU khi họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm 2024. Khi đó, các đảng phái tập trung nhiều hơn vào mặt chính trị-xã hội. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động yêu cầu phát triển bền vững, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, đưa ra nhiều lịch trình kiểm soát thương mại từ các nước đối tác.
 
Ngay trong tháng 1, EU đã đưa ra lịch trình nhiều vấn đề, ví dụ có kế hoạch đưa ra quy định đến hạn, tức là yêu cầu các nước đối tác xuất khẩu vào EU tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường, lao động.
 
EU yêu cầu các nước đối tác xuất khẩu vào EU tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường, lao động.
 
EU dự kiến đưa ra chính sách về chống phá rừng, theo đó liên quan đến rất nhiều mặt hàng xuất khẩu như cà phê, đồ gỗ, nội thất. EU cũng đưa ra các chính sách về cân bằng năng lượng, cân bằng chuyển đổi carbon. Từ đó sẽ liên quan đến nhiều ngành như xuất khẩu sắt thép, phân bón, hóa chất. 6 tháng đầu năm 2023 EU sẽ tập trung vào yêu cầu giảm rác thải các ngành hàng liên quan đến thời trang, da giày, dệt may, điện tử.
 
Cùng với các quy định về môi trường, EU sẽ kiểm soát các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm soát thương mại, chống gian lận thương mại, chống lợi dụng bất hợp pháp các FTA của EU.
 
"Chính những động thái này của EU sẽ tạo ra một số khó khăn cho tất cả các nước khi tiếp cận thị trường Châu Âu và đòi hỏi các nhà quản lý xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải có những yêu cầu chặt chẽ hơn khi áp dụng các quy định", Tham tán Trần Ngọc Quân nhìn nhận.
 
Chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng
 
Đánh giá về triển vọng thương mại Việt Nam - EU, ông Trần Ngọc Quân cho biết, Việt Nam đã bước sang năm thứ 3 thực thi EVFTA. Theo lộ trình ưu đãi thuế quan, thuế suất nhiều mặt hàng sẽ về 0%. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang EU.
 
Hiện Việt Nam là 1 trong 4 nước Châu Á có FTA với EU. Trong chính sách thương mại, EU đang tập trung vào những nước có FTA để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nội địa.
 
Về vận tải, từ cuối năm 2022 đã có nhiều cải thiện. Trong đó, vận tải đường biển đã gần như trở lại mức trước đây, giá đã giảm dần. Tuy nhiên, giá cước vận tải hàng không vẫn rất cao.
 
"Rất mong Bộ trưởng chỉ đạo bộ phận nghiên cứu về logistics tập trung nghiên cứu về cơ chế hỗ trợ xuất khẩu hàng không của Thái Lan để áp dụng với Việt Nam. Bởi hiện tại các mặt hàng nông sản của Thái Lan đang chiếm lĩnh được thị trường EU vì chi phí vận tải bằng đường hàng không tương đối cạnh tranh so với các thị trường khác", Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU đề xuất.
 
Năm 2023 là năm rất nhiều nước thành viên EU kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM). Rất mong Bộ trưởng chỉ đạo Cục XTTM phối hợp với Vụ trường Châu Âu, Châu Mỹ đẩy mạnh các hoạt động XTTM và hoạt động của lãnh đạo bộ tại thị trường EU để có thể tổ chức các hoạt động thiết thực kỉ niệm 50 năm quan hệ cũng như tận dụng được cơ hội từ hiệp định EVFTA mang lại.
 
Theo khảo sát của một số hiệp hội, hầu hết các hiệp hội của EU đang dần chuyển lại thời kỳ XTTM như trước kia. Có nghĩa là họ yêu cầu ngày càng cao về hoạt động XTTM trực tiếp. Họ mong muốn gặp trực tiếp DN hơn là lựa chọn hình thức tiếp xúc gián tiếp. Bởi vì tiếp xúc gián tiếp thiếu sự kết nối giữa người với người.
 
Trên cơ sở tình hình thương mại của EU, Tham tán Trần Ngọc Quân bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, trong bối cảnh năm 2023 EU đẩy mạnh các yêu cầu về phát triển xanh, phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng, thì các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu cũng dần phải chuyển đổi mô hình sản xuất để bắt kịp với xu thế trong tương lai của EU.

Nguyệt Minh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/doanh-nghiep-chuyen-doi-mo-hinh-san-xuat-de-bat-kip-yeu-cau-cua-eu-a88560.html