Trong bối cảnh các nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên và rủi ro môi trường, giới chuyên gia cho rằng, tăng trưởng xanh là yếu tố sống còn để bảo đảm một tương lai bền vững hơn và có thể mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn theo thời gian.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, ngày càng có nhiều DN lựa chọn con đường tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (PTBV) là hướng đi phát triển cho mình. Ngày nay mô hình tăng trưởng xanh và trở thành DN có trách nhiệm xã hội, DN bền vững mang lại rất nhiều lợi ích cho sự PTBV của DN.
Thông qua các hội nghị, hội thảo, qua khảo sát của VCCI trong cộng đồng DN cho thấy ngày càng có nhiều DN theo đuổi con đường đúng đắn này.
Thực tế, trong các thành viên của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), thông điệp tăng trưởng xanh đã được lan tỏa ra tất cả chuỗi giá trị trong chuỗi cung ứng của các DN lớn của Việt Nam cũng như DN FDI. Theo đó, DN đang có những nỗ lực rất đáng ghi nhận và khích lệ trong quá trình chuyển đổi từ mô hình DN truyền thống sang DN xanh, DN có trách nhiệm và PTBV.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, ngày càng có nhiều DN theo đuổi mô hình kinh doanh xanh.
Việc DN sản xuất chuyển hướng sang sản xuất xanh đã được nhìn thấy rõ. Các DN sản xuất có thể đầu tư khoa học, công nghệ vào mô hình kinh tế mới như mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, các DN ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, F&B cũng có thể triển khai mô hình tăng trưởng xanh. Họ có thể đưa ra mô hình kinh doanh mà ở đó ít phát thải. Chẳng hạn hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa; hoặc nếu vẫn dùng đồ nhựa thì sau đó có kế hoạch thu gom, làm việc với những viện, công ty lớn để tiếp tục tái sử dụng.
Đánh giá về những khó khăn của các DN theo mô hình tăng trưởng xanh, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, khó khăn đầu tiên là nhận thức của DN chưa đầy đủ thế nào là kinh doanh xanh, kinh doanh có trách nhiệm và kinh doanh theo hướng bền bững. Điều này cũng dễ hiểu khi hơn 98% DN Việt Nam là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Khó khăn thứ hai là về công nghệ, tiếp cận vốn. Trong chuỗi giá trị, có thể những DN nhỏ và vừa nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích của tăng trưởng xanh nhưng họ thiếu tiềm lực về tài chính để đầu tư về công nghệ. Do đó, DN rất cần giải pháp tài chính xanh từ các ngân hàng và định chế tài chính để có thể đưa ra các gói hỗ trợ, giúp các DN theo đuổi và triển khai chiến lược tăng trưởng xanh và PTBV.
Cần có khuôn khổ pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cho những mô hình này để hỗ trợ DN, từ đó tạo môi trường kinh doanh xanh thuận lợi hơn nữa cho các DN kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.
Trong chương trình nghị sự Diễn đàn DN vì sự phát triển bền vững suốt 10 năm, VCCI đã phối hợp với các bộ, ngành đồng hành cùng DN để không chỉ tạo ra diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa DN với cơ quan hữu quan, đồng thời còn đưa ra mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành để DN Việt Nam có thể học hỏi, chia sẻ những thành công và thất bại của những DN đi trước, từ đó đưa ra mô hình kinh doanh phù hợp và nhiều lợi ích cho DN mình.
Suốt 20 năm qua, VCCI là cơ quan tiên phong hỗ trợ DN trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như PTBV. Giải thưởng trách nhiệm xã hội của DN được VCCI phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐ TB&XH lần đầu tiên tổ chức vào năm 2005. Đây chính là tiền thân của bảng xếp hạng DN PTBV tại Việt Nam mà VCCI cùng các bộ, ngành thực hiện trong 7 năm qua. Qua đó, DN có thể soi mình vào bộ chỉ số DN bền vững để xem vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường của DN bền vững ra sao. Từ 3 yếu tố tích hợp đó sẽ giúp rất nhiều cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng năng suất cũng như tìm kiếm các đối tác mới, những nhà đầu tư mới và đặc biệt là mở rộng thị trường.