Thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn, doanh nghiệp khó tiếp cận thị trường quốc tế

Yếu về năng lực chế biến và thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn khiến các doanh nghiệp (DN) thực phẩm chế biến gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế.

Sức ép cạnh tranh
 
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ nước ngoài tháng 2/2023 diễn ra chiều 28/2, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, ngành chế biến thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục gặp những trở ngại về mặt vĩ mô và môi trường kinh doanh trong năm 2023.
 
Những cú sốc về chuỗi cung ứng tại các thị trường xuất khẩu làm giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá cước vận chuyển tăng cao khiến giá thành hàng hóa ở mức cao, nhu cầu tiêu giảm, ảnh hưởng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
 
Dù sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường xuất khẩu, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc.
 
Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
 
Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.
 
"Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các DN xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển", ông Vũ Bá Phú nhìn nhận.
 
Doanh nghiệp gặp khó
 
Dưới góc nhìn DN, bà Nguyễn Thị Thu Liên - Trưởng Ban Kết nối doanh nghiệp, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) tại Hà Nội, cho biết, 100% sản phẩm xuất khẩu của các DN thành viên đều có tem truy xuất nguồn gốc; 40% sản phẩm xuất khẩu là sản phẩm hữu cơ. Trong số 40% này, 90% sản phẩm có chứng nhận hữu cơ. Một số DN đã và đang có sản phẩm xuất khẩu sản phẩm hữu cơ khá tốt.
 
Tuy nhiên, khó khăn mà các DN hiện đang gặp phải là yếu về năng lực chế biến và thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Để lựa chọn nguyên liệu sạch đưa vào sản xuất, chỉ có mã số vùng trồng là chưa đủ, mà vùng trồng đó phải có các chứng nhận như Viet GAP, Global GAP... thì mới có thể đưa vào sản xuất chế biến.
 
Thực tế cho thấy, vùng nguyên liệu của Việt Nam chưa nhiều, buộc DN phải mua gom từ khắp các vùng miền. Từ đó làm tăng giá thành, nhất là trong bối cảnh chi phí logistics tăng cao thời gian qua.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Liên - Trưởng Ban Kết nối doanh nghiệp, Trưởng Văn phòng đại diện AFT tại Hà Nội phản ánh khó khăn của DN khi thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
 
Trong bối cảnh khó khăn đó, DN hội viên AFT muốn gia tăng doanh thu, thị phần xuất khẩu nhưng khó khăn trong việc tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm quốc tế quy mô lớn.
 
“Việc tham gia các triển lãm, hội chợ ở nước ngoài chưa được ngân sách hỗ trợ, chủ yếu trông chờ vào năng lực doanh nghiệp. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch, cộng thêm chi phí nguyên nhiên liệu gia tăng… dẫn đến rất khó tiếp cận thị trường nước ngoài”, bà Liên phản ánh.
 
Do vậy, AFT đề xuất Bộ Công thương, trực tiếp là Cục Xúc tiến thương mại thúc đẩy các hoạt động quảng bá sản phẩm, truyền thông thương hiệu thực phẩm chế biến Việt Nam, đặc biệt ưu tiên để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của các DN.
 
Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương ưu tiên giới thiệu và tăng cường xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm minh bạch thông tin, có QR code đúng chuẩn, đặc biệt là các sản phẩm đã được AFT cấp chứng nhận minh bạch.
 
Hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao
 
Tại sự kiện, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại một số quốc gia châu Á đã chia sẻ thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến. Đồng thời, thông tin về các xu hướng thị trường cũng như đưa ra khuyến nghị cho DN, hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến.
 
 
Sự kiện thu hút hơn 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến qua nền tảng zoom.
 
Đánh giá cao các thông tin cập nhật chính sách và khuyến nghị thiết thực của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hiệu quả, các thương vụ cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và DN.
 
Đặc biệt, cần hỗ trợ DN trong nước hợp tác đầu tư, nhất là hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Hợp tác trong việc mua nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất trong nước. Đồng thời tìm kiếm phát triển thị trường mới, tiềm năng.
 
Thêm vào đó, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hình thức B2B. Thương vụ kết nối với DN, hiệp hội, địa phương trong nước để tổ chức cho DN thương mại nước ngoài có cơ hội về thăm Việt Nam, tiếp cận vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở sản xuất của Việt Nam. Ngược lại, tổ chức và hỗ trợ cho DN Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài và quảng bá sản phẩm...

Nguyệt Minh

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/thieu-vung-nguyen-lieu-dat-chuan-doanh-nghiep-kho-tiep-can-thi-truong-quoc-te-a91672.html