57 năm chưa từng có khái niệm nhận hoa, nhận quà ngày 8/3
5 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Nguyệt (57 tuổi, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã lạch cạch dậy đi chợ đầu mối lấy rau củ, quả về bán.
Bà Nguyệt tâm sự, gia đình vốn làm nghề nông, kinh tế khó khăn, bà lấy chồng muộn, nhưng chồng bà là người không tâm lý, gia trưởng, ông thích làm theo ý ông. Kinh tế trong nhà một tay bà lo liệu. Trước đây, bà thường xuyên làm nghề bán hàng rong trên phố cổ, nhưng có tuổi, sức khỏe yếu nên giờ ngồi gần nhà, xin chân vỉa hè cạnh góc chung cư để bán hàng.
Bất kể nắng mưa, ngày nào bà Nguyệt cũng ngồi góc vỉa hè bán rau củ, quả. 57 năm bà chưa từng biết đến ngày 8/3. Với bà, mùng 8/3 chỉ có trên tivi vì bà chưa từng nhận được món quà nào. Suốt ngày chỉ cặm cụi làm ăn nên có năm cũng chẳng nhớ gì tới ngày này.
Khi được hỏi về ngày 8/3 bà có mong ước gì, bà nghẹn ngào: "Ước mong duy nhất của tôi là các con có công ăn việc làm sớm lập gia đình. Công việc của tôi thuận lợi, bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền".
Đây cũng là mong ước chung của những lao động tự do như bà, suốt ngày "cày cuốc" kiếm từng đồng tiền lẻ về lo cho gia đình.
Ngày 8/3: Mong ngày nào cũng đắt khách
Như thường lệ, ngày lễ cũng như ngày Tết, chị Nguyễn Thị Dung 48 tuổi (Hà Nam) có mặt tại chợ đầu mối Long Biên để làm công việc bốc vác, khuân hàng.
Những lúc mọi người về nhà, lên giường là lúc đội cửu vạn, chuyên bốc hàng ở chợ Long Biên (Hà Nội) như chị Dung bắt đầu một ngày làm việc mới.
Chị Dung tâm sự, chị làm công việc này đã được 3 năm. Mấy năm trước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chị thất nghiệp, về quê, năm rồi mới quay lại làm tiếp, nhưng công việc ít, thu nhập giảm. Trước đây, một tháng chị làm bèo cũng được 8-9 triệu đồng, nhưng giờ tháng nào cao thì được 7 triệu đồng, bằng không chỉ được 5-6 triệu đồng.
Theo chị Dung, mỗi chuyến xe đẩy hàng chị được nhận từ 20-100 nghìn đồng, tùy lượng hàng thực tế. Ngày nào may mắn thì kiếm được 200-300 nghìn, ngày nào ế ẩm thì được vài chục. Cũng bởi thu nhập thấp nên đôi khi tối chị đi bốc hàng, ngày thì đi lượm ve chai, mua bán đồng nát để tăng thu nhập gửi tiền về cho các con ăn học.
"Biết công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng mình là lao động phổ thông chẳng biết làm gì ngoài mấy nghề này. Giờ làm gì người ta cũng đòi hỏi kinh nghiệm, lại bó buộc thời gian nên tôi chọn nghề này", chị Dung chia sẻ.
Khi nhắc tới mùng 8/3, chị Dung vừa buồn, vừa tủi tâm sự: "Quê tôi nghèo, người ta chỉ lo cái ăn cái mặc, chẳng ai để ý tới ngày 8/3 đâu. Ngày này có chăng chỉ có nhà có điều kiện, mấy người có tiền, công chức, viên chức thôi".
Nói rồi chị Dung cười kể: "Có lần con gái lớn trêu bố (chồng chị Dung), sao bố không tặng quà mẹ, ông ấy chỉ bảo, giờ già rồi còn quà cáp gì. Nói vậy thôi, nhưng dù không có quà thì tôi cũng không buồn bởi chồng tôi là người rất tình cảm, yêu vợ, thương con, còn cậu con trai lớn đang học đại học thì cứ gọi điện ra chúc mừng ngày 8/3 mẹ. Nghe thấy giọng con là tôi thấy hạnh phúc, ấm áp hơn bất cứ món quà nào".
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện Trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) cho rằng, đa phần lao động tự do, làm các công việc yếu thế là lao động nữ. Bởi vì là lao động yếu thế, nên khi tuổi đời cao, lại không có tay nghề nên các công ty xí nghiệp không tuyển dụng là họ trở thành người thất nghiệp. Họ buộc phải làm những công việc vất vả, với mức tiền công "rất bèo", thậm chí nguy cơ về bị bạo lực, bị bóc lột hay bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp... cũng cao hơn so với các lao động làm các công việc khác.
"Không chỉ phải làm các công việc vất vả, thu nhập thấp, bản thân nữ lao động tự do cũng có đời sống tinh thần eo hẹp. Ít được tiếp cận với các chương trình văn hóa giải trí, được chăm sóc về tinh thần. Thậm chí nhiều người còn không có khái niệm ngày 8/3, ngày 20/10... là ngày gì? Đây là thiệt thòi rất lớn, không thể bù đắp cho chị em nữ lao động tự do", bà Giang nói.
Thùy Anh
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/ngay-83-nu-lao-dong-tu-do-ca-doi-chua-biet-toi-nhan-qua-chi-mong-co-suc-khoe-kiem-tien-a93071.html